Cần có trọng tâm, trọng điểm
Thảo luận tại tổ chiều 8/6 về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: "Đây là chương trình mục tiêu quốc gia thứ 4, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa.
Việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình này sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa đề ra trong các Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021".
Khi được Quốc hội đồng ý thông qua, Chính phủ phải cụ thể hoá từng chương trình, từng dự án, từng đề mục để thực hiện.
Lưu ý Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh 5 nguyên tắc yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu để rà soát, hoàn thiện chương trình.
Trước hết, theo ông, Chương trình để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách về phát triển văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển văn hoá.
Bên cạnh đó cần phân định rõ các nội dung, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước đầu tư phát triển văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chi thường xuyên và nội dung, nhiệm vụ chi, các nội dung cần tập trung đầu tư từ Chương trình.
Khi xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, theo Chủ tịch Quốc hội cần phải xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước, nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa.
Chương trình cần có tính kế thừa nhưng không trùng lặp, chồng chéo với chương trình, đề án đã được phê duyệt và đang triển khai.
Mặt khác, theo ông, cần phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan theo hướng tinh gọn về đầu mối, tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Ở đâu được gắn bảng văn hóa, ở đó phải thực sự có văn hóa
Dành nhiều thời gian nói về chỉ tiêu thiết chế văn hoá, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, trong chương trình đưa ra nhiều chỉ tiêu về thiết chế văn hóa, đưa ra nhiều loại hình thiết chế khác nhau ở cấp quốc gia và cấp cơ sở.
Trong khi đó, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 chưa được ban hành.
"Do vậy, Chương trình cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về hệ thống các thiết chế văn hóa, bảo đảm phù hợp với quy hoạch đang được xây dựng và khả thi khi triển khai trên thực tế", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Một điểm khác Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là Chương trình phải nêu rõ cơ chế đầu tư các thiết chế văn hóa được đề cập đến trong Chương trình vì "vấn đề đầu tiên là tiền đâu?".
"Cần làm rõ Nhà nước đầu tư 100% hay hỗ trợ một phần, có huy động tư nhân tham gia hay không để có căn cứ triển khai Chương trình cũng như tính toán nguồn lực đầu tư của Chương trình" – ông nói.
Nhìn tổng thể, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, về mặt lý luận, về quan tâm, nhận thức đối với văn hoá thì đều rất tốt rồi, nhưng bây giờ thể hiện như thế nào để tới đây Chương trình trở thành hiện thực để phát triển văn hóa một cách bền vững.
Nhấn mạnh hai từ "bền vững", Chủ tịch Quốc hội cho rằng không thể làm phong trào ấp văn hoá, xã văn hoá, gia đình văn hoá nhưng có khi tìm hiểu thực tế lại chưa chắc có văn hoá.
Khi công nhận một gia đình là văn hoá thì họ phải tiêu biểu về nếp sống, không có con em nghiện, trộm cắp…
"Một khi ở đâu được gắn bảng văn hoá thì ở đó phải thật sự văn hoá" – ông nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận