Kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công
Sáng nay (10/12), tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trình bày Tờ trình Báo cáo tóm tắt Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Báo cáo tóm tắt cho biết, hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước.
Với vai trò là trục huyết mạch của cả nước, cần sớm hoàn thành để tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 16/2001/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Về phạm vi đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư 729 km trên các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.
Về hình thức đầu tư, với vai trò là trục xương sống, dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành Dự án theo Kết luận số 18 KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ kiến nghị triển khai Dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng.
Về tổng mức đầu tư, nguồn vốn sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%).
Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ bố trí phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%). Trong đó, khoảng 20.000 tỷ đồng (tương ứng 13,6%) là chi phí dự phòng và khoảng hơn 7.000 tỷ đồng (tương ứng 5%) là chi phí bảo hành công trình.
Báo cáo cũng cho biết, để bảo đảm tiến độ hoàn thành và giải ngân vốn đầu tư công theo đúng yêu cầu, trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và các quy định pháp luật, Chính phủ sẽ xem xét trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện, sẽ xem xét giao thực hiện đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó.
Trường hợp địa phương không đủ năng lực, kinh nghiệm, Bộ GTVT sẽ trực tiếp thực hiện đầu tư.
Có cơ sở đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công
Sau khi nghe Báo cáo tóm tắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Về hình thức đầu tư, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, cùng với những bất cập nêu trên vẫn chưa được khắc phục thì khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện dự án theo phương thức PPP là rất thấp.
Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công để bảo đảm tiến độ cho dự án là có cơ sở.
Về tổ chức thực hiện và tiến độ hoàn thành, Báo cáo thẩm tra cho biết, Chính phủ đề nghị giao cho một số địa phương có dự án đi qua thuộc địa giới hành chính của địa phương đó có đủ năng lực, kinh nghiệm để quản lý đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc giao cho địa phương là chưa phù hợp với Kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Thông báo số 530/TB-TTKQH, đồng thời sẽ phát sinh những hạn chế, bất cập như sau:
Việc giao cho địa phương sẽ không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công... Nếu chỉ phân cấp cho địa phương quản lý đầu tư dự án mà không rà soát quy định pháp luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật có thể dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Đường cao tốc là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao đòi hỏi năng lực, kinh nghiệm quản lý và triển khai dự án ở trình độ quốc gia, trong khi năng lực quản lý dự án của các địa phương còn rất hạn chế, đa số các địa phương hiện nay chỉ mới quản lý đầu tư các tuyến đường cấp III trở xuống.
"Trên thực tế, các địa phương mà dự án đi qua chưa từng triển khai thực hiện công trình có quy mô lớn, phức tạp như dự án này có thể dẫn đến sự lúng túng cho các địa phương. Hơn nữa, việc giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc vào cách thức tổ chức thực hiện, phân chia các gói thầu hợp lý để lựa chọn được nhiều nhà thầu có năng lực triển khai thi công dự án và cơ quan quản lý cần có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm", Tờ trình thẩm tra nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Không được để chậm như giai đoạn trước
Cho ý kiến về dự án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
"Dự án này đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ thống nhất triển khai. Đề nghị Bộ GTVT thay mặt Chính phủ tiếp thu tối đa ý kiến thẩm tra và ý kiến của các vị đại biểu phát biểu trong phiên thảo luận", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là dự án trọng điểm, dự kiến nằm trong gói kích thích kinh tế, tinh thần là chúng ta phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành.
Về vấn đề giao cho địa phương thực hiện, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ sẽ quyết định.
"Nếu mà khi quyết định chủ trương đầu tư, Quốc hội quyết định cả chủ đầu tư thì tôi tán thành với các ý kiến đề xuất dự án đặc biệt quan trọng như vậy muốn triển khai nhanh và gấp rút, chỉ đạo tập trung thống nhất thì tinh thần đề xuất với Chính phủ là giao cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Hội đồng thẩm định dự án này đã có ý kiến như vậy", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, muốn triển khai nhanh thì tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng. Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành thì Chính phủ đã phê duyệt đề án giải phóng mặt bằng ở TP.HCM, theo đề án này thì rút ngắn được mấy trăm ngày.
Về kế hoạch đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vừa qua chúng ta mất hàng năm về vấn đề này, đầu tiên là chúng ta công bố đấu thầu quốc tế sau đó lại chuyển sang đấu thầu trong nước. Tiếp đến là hình thức đầu tư. Đầu tiên từ 8 gói dự án thành phần đầu tư theo PPP và 3 gói dự án là đầu tư công, nhưng sau đó lại đảo ngược là 8 gói dự án đầu tư theo vốn đầu tư công và 3 dự án theo PPP.
"Vì mấy chuyện này mà chúng ta chậm mất mấy năm. Đây không phải do luật pháp cản trở đầu tư. Chỉ vì thay đổi phương thức đầu tư và phương thức đấu thầu mà dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 chậm đến gần 4 năm", Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, không để dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 vướng phải trường hợp này.
Để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội bất thường tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngoài hoàn thiện hồ sơ, Bộ GTVT có báo cáo tiếp thu ý kiến báo cáo thẩm tra để thống nhất giữ hồ sơ trình và hồ sơ thẩm tra chính.
"Khi thảo luận tổ thì phải có báo cáo giải trình ngay. Sau khi thảo luận tại Hội trường thì cũng có ý kiến giải trình. Phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra chuẩn bị ý kiến báo báo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội trước khi thông qua việc này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận