Chính trị

Chủ tịch Quốc hội: Tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế

12/09/2024, 11:00

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là tập trung cao độ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thể chế.

Sáng nay (12/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 37. Phiên họp sẽ diễn ra làm 2 đợt (đợt 1 từ ngày 12 đến sáng 13/9; đợt 2 từ ngày 23 đến ngày 26/9).

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp diễn ra trong điều kiện các tỉnh miền núi phía Bắc còn đang mưa, lũ, sạt lở, thiệt hại rất nặng nề. Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến với 23 nội dung.

Chủ tịch Quốc hội: Tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, phiên họp sẽ dành thời gian chủ yếu để xem xét, cho ý kiến 11 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Trong đó có 2 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 1 pháp lệnh quản lý bảo vệ khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước tình hình bão, lũ, thiên tai, thiệt hại rất nặng nề, điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của năm 2024 và một số năm tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải dồn sức, khắc phục các thiệt hại.

"Phải dồn sức cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương để lo. Cái gì khó khăn thuộc về thể chế, chỉ đạo điều hành thì phải tập trung tháo gỡ, nhất là đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đảm bảo quốc phòng an ninh, cải cách hành chính, hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động về thuế, y tế, giáo dục. Cái gì sửa ngay được thì sửa để đảm bảo yêu cầu cho phát triển", ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Hiện nay Chính phủ đã có tờ trình đề nghị bổ sung 3 dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 gồm: dự án Luật Đầu tư sửa đổi; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Uỷ ban Pháp luật khẩn trương kiểm tra thật kỹ các đề nghị bổ sung của Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình phiên họp thứ 37 trên tinh thần đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện để thông qua.

Liên quan công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về báo cáo công tác tư pháp, kiểm toán thường niên, và một số báo cáo quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng Đoàn Quốc hội sẽ họp một phiên sau hội nghị Trung ương sắp tới. 

Ông đề nghị Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc báo cáo Chính phủ để Đảng Đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ phải họp trước 1 tháng để xem xét các nội dung có thể điều chỉnh, bổ sung, chỉnh sửa, phải chuẩn bị tài liệu cho kịp, nhất là những vấn đề xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là tập trung cao độ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thể chế.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có nội dung nhiều nhất trong các kỳ họp của Quốc hội khóa XV, trong đó, công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm.

Do đó, đây là thời gian cao điểm, có thể làm việc ngày đêm, cả thứ bảy, chủ nhật để giải quyết khối lượng công việc rất lớn nhằm chuẩn bị cho kỳ họp của Quốc hội. 


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.