Xã hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Quốc hội làm hết việc chứ không hết giờ"

17/08/2022, 12:32

Sáng 17/8, tại văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tư duy người hỏi và người trả lời chất vấn khác nhau thì hãy tranh luận

Liên quan đến vấn đề quy định về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên họp toàn thể, Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng: "ĐBQH nêu chất vấn có thể cung cấp thông tin linh hoạt bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể. Nếu khống chế thời gian từ 2 phút xuống 1 phút thì càng khó cho các đại biểu trình bày cụ thể".


img

Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Thực tế trong nhiều phiên họp gần đây, mỗi đại biểu chỉ có 2 phút để trình bày câu hỏi. Đa số đều không thể trình bày được cụ thể, phải lược bớt đi hoặc bị quá thời gian so với cho phép.

Thời gian chất vấn cho mỗi đại biểu cũng chỉ có 1 phút và phải đợi đến lượt mới được hỏi. Trong khi có trường hợp đại biểu không có câu hỏi nhưng lại được quyền tranh luận, không cần đợi theo thứ tự đăng kí và có đến 2 phút để tranh luận.

Bà Nguyễn Thị Thanh cũng nêu ra quan điểm: "Khi 2 quan điểm, tư duy người hỏi và người bị chất vấn khác nhau thì hãy tranh luận".

Do đó, đề nghị làm rõ nguyên tắc bất kỳ đại biểu nào hay chỉ đại biểu đặt câu hỏi đó mới có quyền tranh luận với người trả lời chất vấn.

Có ý kiến cho rằng tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì ĐBQH cần tranh luận, truy vấn đến cùng. Việc này nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu và không chỉ đại biểu có câu hỏi mà đại biểu khác có cùng sự quan tâm cũng có quyền tranh luận với người bị chất vấn.

Dự thảo đã nội quy hóa đổi mới trong hoạt động chất vấn đã được thực tiễn kiểm nghiệm đó là giảm thời gian chất vấn, chất vấn lại xuống 1 phút. Theo đó, thời gian tranh luận cũng chỉ nên trong khoảng 1 - 2 phút.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tranh luận trong chất vấn là quyền của đại biểu, do đó không nên giới hạn chỉ những đại biểu đặt câu hỏi mới có quyền tranh luận.

"Chỉ không tranh luận giữa các đại biểu với nhau, còn tranh luận đối với Bộ trưởng, trưởng ngành, người trả lời chất vấn thì hợp lý, dù không hỏi vẫn có thể tranh luận, đó là quyền của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, đại biểu nào chất vấn thì được ưu tiên tranh luận trước", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về thời gian tranh luận, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không quá 2 phút như dự thảo là phù hợp. Thời gian chất vấn thì không quá 1 phút.

Quốc hội làm hết việc chứ không hết giờ

Đối với thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mốc thời gian 7 phút là phù hợp, không nên rút xuống nữa. Quan trọng là làm sao để phiên họp nhiều người tham gia phát biểu nhất, nhất là những phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, thứ hai là người điều hành, chủ tọa có thể xin phép giảm thời gian xuống, nhưng không nên giảm dưới 5 phút, và được sự đồng ý của Quốc hội mới thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, nên chăng dành quyền linh hoạt cho chủ tọa và cho Quốc hội trong điều hành phiên họp, theo tinh thần: "Quốc hội làm hết việc chứ không hết giờ".

"Tại khóa XIII, XIV, chúng ta cũng đã cho kéo dài thời gian phiên họp rồi. Có thể không phải 17h mà 17h30, 18h, thậm chí 19h. Có những phiên đông người, nội dung thảo luận nhiều, thấy cần thiết kéo dài thì làm, nhưng với điều kiện được Quốc hội đồng tình", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.