Ngày 18/5, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đã ký quyết định về việc công nhận Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng là Hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long
Sự việc Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng một trường đại học đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trên địa bàn tỉnh nhà.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, việc kiêm nhiệm 2 nhiệm vụ của ông Nguyễn Văn Thắng có đúng theo luật giáo dục đại học về tiêu chuẩn bổ nhiệm, kiêm nhiệm hiệu trưởng? Nhất là khi vị này chưa từng có kinh nghiệm trong quản lý, giảng dạy tại trường Đại học.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, đối chiếu với luật Giáo dục Đại học năm 2018 thì việc Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng một trường học có nhiều điều không phù hợp.
“Hội đồng trường có quyền miễn nhiệm chức danh hiệu trưởng. Ví dụ, Hội đồng trường muốn miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long thì phải trình lên cơ quan quản lý. Khi đó chính vị hiệu trưởng này lại “đóng vai” cơ quan quản lý xem xét ý kiến của Hội đồng trường thì không hợp lý chút nào”, ông Khuyến nói.
Ông Khuyến cũng cho biết, hiệu trưởng trường đại học có trách nhiệm quản lý về nhiều mặt, từ tài chính cho đến học thuật, chuyên môn, chính vì vậy hiệu trưởng cần phải có chuyên môn. Được biết, vị Chủ tịch Quảng Ninh chưa từng có kinh nghiệm giảng dạy hay là quản lý về giáo dục (ở cấp trưởng khoa, hay phó hiệu trưởng). Như vậy, bổ nhiệm giữ chức hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long là chưa phù hợp.
“Ở đây theo quan điểm của tôi, nên chăng thì Quảng Ninh nên bổ nhiệm vị Chủ tịch tỉnh vào vị trí Chủ tịch Hội đồng nhà trường thì hợp lý hơn là hiệu trưởng”, ông Khuyến nói.
Liên quan đến vấn đề trên, TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho biết, tiêu chuẩn để bổ nhiệm hiệu trưởng được quy định rất rõ tại Điều 20 Luật Giáo dục đại học, phải có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học là điều rất quan trọng.
Kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học chúng ta phải là phải hiểu biết và thực hành tác nghiệp quản lý trong giáo dục đại học gồm quản lý tuyển sinh, chương trình đào tạo phải tuân thủ theo các quy chế, hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo,hợp tác nhà trường và doanh nghiệp, quản lý nhân sự, tài chính, quản lý sinh viên, nhân sự, quản lý dạy học và đánh giá, quản lý chất lượng…
"Nếu chưa có kinh nghiệm quản lý đại học thì hoàn toàn là một thách thức lớn với người chưa hiểu về văn hóa của giáo dục đại học. Bởi lẽ, mỗi tổ chức có một thói quen, văn hóa, chuẩn mực nhất định và để quản lý một cơ sở giáo dục đại học mang tính tác nghiệp, đòi hỏi người quản lý phải hiểu biết sâu về con người và môi trường giáo dục đại học ở đó hoạt động tác nghiệp quản lý diễn ra hàng ngày", ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, nếu một người chưa có kinh nghiệm quản lý mà lại ngồi vị trí hiệu trưởng trường Đại học thì hoàn toàn trái với Điều 20 Luật Giáo dục đại học. Đó là chưa kể công việc của một chủ tịch là rất bận rộn có nên "một gánh hai vai", kiêm nhiệm chức danh hiệu trưởng trường đại học?
"Còn nếu người đó có năng lực, có tài năng đột xuất thì không nói còn nếu chỉ là chức danh không thì không nên vì vi phạm luật giáo dục đại học và hiệu trưởng có những nhiệm vụ rất nặng nề vừa đòi hỏi anh phải là nhà giáo dục, nhà quản lý nhà trường một cách chuyên nghiệp", ông Vinh phân tích.
Điều 20 Luật Giáo dục Đại học năm 2018 quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:
a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật;
b) Đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận