Tài chính

Chủ tịch TP.HCM: Không nói đồng hành chung chung mà phải hành động cụ thể

23/07/2020, 14:38

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các quận, huyện cần gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về thị trường lao động, vốn...

img
Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong

Sáng 23/7, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì họp về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, thu chi ngân sách.

Theo ông Phong, cú sốc COVID-19 đã khiến tình hình kinh tế TP bị tác động mạnh, điều này tác động đến tốc độ tăng trưởng bình quân của TP chỉ còn khoảng 2% trong 6 tháng đầu năm trong khi đó tốc độ tăng trưởng bình quân những năm trước là trên 8%. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch vốn là ngành chiếm 60% trong tổng cơ cấu kinh tế của thành phố nay bị tác động nặng nề. Trong năm 2019, du khách nước ngoài đến TP có 8,6 triệu người, thời gian lưu lại bình quân 3,6 ngày, mức tiêu tiền bình quân 150 USD/người/ngày. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2020, khi du lịch bị Covid đã ảnh hưởng mạnh đến tổng cầu của TP.

“Chúng ta không hi vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng như dự báo ban đầu là 8,3-8,5%/năm. Nhưng bằng mọi giải pháp, TP phải hướng đến kịch bản tăng trưởng cao nhất là 5%”, ông Phong nói.

Chính vì vậy, ông Phong đề nghị, chủ tịch các quận, huyện cần gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp xem họ có khó khăn gì về thị trường, về lao động, về vốn... Cái nào thuộc thẩm quyền thì chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Giải pháp nào vượt quá thẩm quyền thì phải kịp thời đề xuất với cấp trên.

Hơn lúc nào hết, bây giờ là lúc phải hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp để họ vượt qua khó khăn; Không thể cứ nói đồng hành, hỗ trợ chung chung mà phải có hành động cụ thể như gặp gỡ, bơm vốn, chính sách thuế như thế nào”, ông Phong nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại cuộc họp, ông Phong yêu cầu những tháng cuối năm, thành phố cần quyết liệt triển khai chương trình chuyển đổi số, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, thực hiện đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông, triển khai đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp...

"Các ngành, các cấp kiểm soát chặt chẽ thu chi ngân sách, tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường các giải pháp thu thuế nợ đọng, thực hiện chi ngân sách theo đúng định mức, tiết kiệm chi... Phải nỗ lực làm hết sức mình, chứ không phải vì khó khăn mà lại bỏ quên trách nhiệm, càng khó khăn càng phải thấy trách nhiệm nặng nề của mình đối với người dân thành phố và cả nước”, ông Phong nói.

Được biết 6 tháng đầu năm 2020, GRDP của TP.HCM dự ước tăng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước đạt 614.591 tỉ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,2%). Tình hình doanh thu các ngành dịch vụ (lưu trú, ăn uống, lữ hành, các dịch vụ khác...) có xu hướng giảm. Trong khi đó, ngành bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng. Việc duy trì mức tăng trưởng của ngành bán lẻ là nhờ 4 yếu tố về nguồn cung sản phẩm, hành vi tiêu dùng, hệ thống phân phối và chương trình khuyến mãi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.