Thời sự Quốc tế

Chủ tịch Trung Quốc tới Nga, bắt đầu chuyến thăm chính thức

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thủ đô Moscow, Nga chính thức bắt đầu chuyến thăm chính thức.

Quan hệ Nga-Trung đang ở mức cao nhất trong lịch sử

Chiều 20/3, theo giờ Moscow, chuyên cơ chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đáp xuống sân bay Vnukovo ở thủ đô Moscow, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga kéo dài 3 ngày (từ ngày 20/3 đến 22/3).

Trước đó, theo Cố vấn Chính sách Đối ngoại của tổng thống Nga Yuri Ushakov, hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp riêng không chính thức và dùng bữa tối trong ngày 20/3 sau đó hội đàm chính thức vào ngày mai.

Dự kiến, hai bên sẽ ký thoả thuận về “tăng cường đối tác toàn diện và quan hệ chiến lược bước vào kỷ nguyên mới” và tuyên bố chung về hợp tác kinh tế Nga – Trung cho đến năm 2030, Điện Kremlin cho biết.

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga

Trước thềm chuyến thăm Nga kéo dài 3 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Điện Kremlin đăng tải bài viết của Tổng thống Nga Vladimir Putin trên báo Trung Quốc, thể hiện kỳ vọng của lãnh đạo Nga vào chuyến thăm của “người bạn tốt lâu năm” - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Putin ca ngợi mức độ tin trưởng trong đối thoại chính trị, hợp tác chiến lược giữa 2 quốc gia, khẳng định quan hệ giữa Nga - Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong lịch sử và ngày càng được củng cố mạnh mẽ.

Ông Putin cũng hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò hòa giải trong xung đột giữa Nga và Ukraine.

“Chúng tôi cảm kích lập trường cân bằng của Trung Quốc trước những sự việc đang diễn ra tại Ukraine và sự thấu hiểu (của Bắc Kinh) về nguyên nhân thực sự dẫn tới cuộc xung đột. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng”, theo Tổng thống Nga.

img

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh - Reuters

Trong khi đó, ngày 20/3, nhật báo của Chính phủ Nga - tờ Rossiiskaya Gazeta đăng bài viết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong đó, ông Tập khẳng định, đề xuất hòa bình 12 điểm do Bắc Kinh đưa ra tháng trước để giải quyết xung đột tại Ukraine thể hiện quan điểm của cộng đồng thế giới về cuộc khủng hoảng.

Ngoài ra, “văn bản đóng vai trò xây dựng trong việc trung hòa hậu quả của cuộc khủng hoảng, thúc đẩy giải pháp chính trị. Tuy nhiên, những vấn đề phức tạp thì giải pháp không đơn giản”, Chủ tịch Trung Quốc nhận định.

Đồng thời, ông Tập kêu gọi tìm giải pháp hợp lý để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ông nhấn mạnh, điều này chỉ có thể đạt được khi các bên tiếp tục đối thoại, tham vấn với thái độ thận trọng, thực tế hướng tới an ninh chung bền vững, toàn diện.

Chủ tịch Trung Quốc: Không có trật tự thế giới nào mà quyền quyết định thuộc về duy nhất một quốc gia

Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định, chuyến thăm tới Moscow của ông nhằm củng cố tình hữu nghị giữa 2 quốc gia. Theo ông Tập, mối quan hệ Nga - Trung Quốc là đối tác toàn diện, tương tác chiến lược trong thế giới đang bị đe dọa bởi những hành vi chuyên quyền, bá quyền và bắt nạt.

“Không có trật tự thế giới nào mà quyền quyết định thuộc về duy nhất một quốc gia. Đoàn kết và hòa bình trên toàn thế giới là lợi ích chung của toàn nhân loại”, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo hãng tin Reuters, thời gian vừa qua, Trung Quốc đã nỗ lực thể hiện là trung gian thúc đẩy hòa bình thế giới và một cường quốc có trách nhiệm. Kể từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine, Trung Quốc luôn giữ lập trường trung lập, lên án biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Bắc Kinh cho rằng hành động này là đơn phương và không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép.

Moscow đã hoan nghênh đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc, khẳng định sẵn sàng đạt mục tiêu chiến dịch quân sự bằng biện pháp chính trị.

Về phía Ukraine, Kiev cũng hoan nghênh đề xuất của Bắc Kinh nhưng khẳng định giải pháp hòa bình phải bao gồm điều khoản yêu cầu các lực lượng Nga rút khỏi những vùng lãnh thổ Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của Moscow, bao gồm bán đảo Crimea đã sáp nhập về Nga vào năm 2014.

Trong khi đó, Mỹ và phương Tây tỏ ra thận trọng và hoài nghi trước nỗ lực trở thành trung gian hòa giải xung đột tại Ukraine của Trung Quốc, viện dẫn việc Bắc Kinh từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.