Xã hội

Chủ tịch xã nhờ người thi hộ: Do coi trọng bằng cấp mà ra

26/06/2015, 09:44

Sự việc Chủ tịch xã đi nghỉ mát vẫn “phân thân” có mặt trong phòng thi do chúng ta quá coi trọng bằng cấp.

le-nhu-tien-doanhnghiepvn.vn
ĐBQH Lê Như Tiến cho rằng chúng ta đang quá coi tọng bằng cấp

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng trên. Theo ông Tiến, việc này không chỉ vi phạm Luật Giáo dục mà còn vi phạm cả Luật Cán bộ, công chức nên cần phải xử lý nghiêm, tốt nhất không để giữ vị trí đó nữa.

Do quá coi trọng bằng cấp mà ra

Mới đây, báo chí đã phát hiện và phanh phui trường hợp vị Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) “phân thân” vừa đi nghỉ mát, vừa có mặt ở phòng thi. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Không phải bây giờ mà lâu nay, cứ mỗi đợt chuẩn bị tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm hay chuẩn bị đại hội các cấp thì lại xuất hiện tình trạng chạy bằng, thậm chí học giả mà có bằng thật bằng việc nhờ người thi hộ, học hộ.

Không chỉ thế, thực tế còn có một số người xưng tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài nhưng trên thực tế không tham gia học mà chỉ nộp tiền và ghi danh để có bằng từ những công xưởng sản xuất bằng giả.

Đây là trường hợp vừa có kiến thức giả, vừa dùng bằng giả. Điều này, gióng lên hồi chuông cảnh báo là khi mà tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm mà quá coi trọng bằng cấp thì người ta sẽ cố chạy để có những bằng cấp họ cần.

Chúng ta phải xác định rằng, năng lực thực tế mới quan trọng, bằng cấp cũng chỉ một tiêu chí, nhưng không phải tiêu chí duy nhất.

Quan trọng phải xem xét kiến thức người cán bộ có là thật hay giả, chứ không phải bằng cấp mới là quan trọng nhất. Khi đã không đi học, đi thi thì làm gì có kiến thức thật.

Ở các nước tiên tiến, họ coi trọng năng lực thực tế và kiểm tra thông qua các bài text, phỏng vấn cụ thể hay đưa ra các phương án để người dự tuyền trình bày. Nếu làm được như thế thì đội ngũ cán bộ mới tốt.

Theo ông với những cán bộ thuê người học hộ, thi hộ để có bằng cấp cần phải xử lý như thế nào?

+ Luật Giáo dục đã nói rõ, học phải thi thì mới được cấp bằng, chứng chỉ. Thế mà, cán bộ không học, không thi vẫn có bằng thì vừa vi phạm các quy định của Luật cán bộ, công chức về hành vi gian dối trong thi cử, vừa vi phạm quy định của Luật Giáo dục. Cán bộ công chức mà vi phạm như thế thì phải xử lý nghiêm, tốt nhất không để giữ vị trí đó nữa.

Tinh giản hết đợt này đến đợt khác vẫn không được bao nhiêu

Hiện nay có thực tế các trường đại học mở các hệ đào tạo từ xa chỉ vì mục đích thu tiền mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo và quản lý học viên. Liệu việc này có “mở đường” cho tình trạng học hộ, thi hộ, chạy bằng cấp?

Đây là một nguyên nhân từ phía các cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo mở ra rất nhiều và không kiểm soát được học viên của mình, chủ yếu nhăm nhe để thu tiền. Với tình trạng như thế chắc chắn không bảo đảm chất lượng đào tạo, điều này cũng cảnh báo các cơ sở đào tạo. Nhưng quan trọng là cảnh báo các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có trách nhiệm hơn trong việc thanh tra, kiểm tra kịp thời uống nắn khi phát hiện những hiện tượng đó. Cùng với đó, nếu phát hiện ra những người có bằng mà không đi học, không đi thi thì hủy ngay bằng đó.

Có ý kiến cho rằng ngoài giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, đã đến lúc phải huy hoạch sắp xếp lại việc mở ra các hệ đào tạo từ xa. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Đúng vậy, tôi rất tán thành. Hiện có rất nhiều cơ sở đào tạo được thành lập, chưa kể các hệ liên kết nhưng không kiểm kiểm soát được chất lượng từ đội ngũ quản lý đến đội ngũ giáo viên nên cần phải chấn chỉnh, quy hoạch, chuẩn hóa lại các cơ sở đào tạo. Không thể để tỉnh nào, huyện nào cũng có cơ sở đào tạo theo phương thức đào tạo từ xa như thế. Rõ ràng, có nhiều cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao.

Theo ông, cần có biện pháp gì để hạn chế tình trạng cán bộ chạy bằng cấp, hay  cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp về”?

Tôi đã chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc có hay không tỷ lệ 30% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp”, tỷ lệ này giảm được bao nhiêu. Đây là quan tâm không chỉ của riêng tôi mà của toàn xã hội, cử tri, công luận báo chí và các vị ĐBQH. Nếu chúng ta có một tỷ lệ như thế thì phải tinh giản. Nhưng tinh giản như thế nào thì phải có những giải pháp đi kèm. Giải pháp đó chính là trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước, giải pháp đó chính là khi đã nói tinh giản thì phải đưa ra chỉ tiêu tinh giản bao nhiêu, lộ trình như thế nào, thời gian thực hiện. Chúng ta nói cứ tinh giản đi, thì hết đợt tinh giản này, đến đợt tinh giản khác chúng ta vẫn không giảm được bao nhiêu.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.