Báo Giao thông ra ngày 18 và 29/7 đăng tải các bài viết: “Bắc Giang: Chủ tịch xã “chống lưng” cho bến thủy không phép?”, “Bắc Giang: Bến thủy bị tố được "chống lưng" vẫn hoạt động dù có lệnh dừng” phản ánh việc người dân tố ông Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang “chống lưng” cho vợ, em vợ và gần 10 cá nhân, doanh nghiệp hoạt động bến thủy nội địa không phép, mở lối đi tự mở qua đường sắt làm mất ATGT trên địa bàn.
Sau khi Báo phát hành, ông Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Châu đã có văn bản báo cáo, giải trình các thông tin liên quan.
Trong đó, ông Hải cho biết: Gia đình tôi đã làm bến bãi từ năm 2002 và thực hiện việc thành lập Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại 228 theo quy định do vợ tôi (bà Ngô Thị Quyên – PV) là người đại diện theo pháp luật. Khi đó, tôi đang làm trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Đạo Ngạn 1, xã Quang Châu.
Từ tháng 10/2015, tôi mới chuyển về xã làm cán bộ văn phòng UBND xã Quang Châu. Việc kinh doanh của gia đình luôn chấp hành quy định của pháp luật.
Cụ thể, năm 2017, gia ông và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nam Thành (do ông Ngô Đức Tuyên, em vợ ông Hải đại diện theo pháp luật– PV) cùng các doanh nghiệp trong thôn đã được UBND tỉnh Bắc Giang ký quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án bãi tập kết và trung chuyển vật liệu xây dựng tại khu vực này.
Sau đó, các năm 2018, 2019, các doanh nghiệp cũng đều lần lượt được Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cấp GCNQSDĐ, UBND huyện Việt Yên xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường...
Riêng bến thủy nội địa đã được các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ liên quan để đề nghị Sở GTVT cấp phép theo quy định.
Vấn đề này cũng đã được ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang kết luận tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc cấp phép hoạt động của các bến, bãi ven sông. Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang giao các sở: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, TN&MT, Nông nghiệp và PTNT... thực hiện, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 15/8 tới.
Ông Nguyễn Tài Hải cho biết thêm, trước năm 2012, khi chưa có cầu Thị Cầu mới, lối đi tự mở qua đường sắt hiện nay vốn là trục đường chính liên xã. Sau khi cầu được xây mới đã có chỉ đạo đóng lại để bảo đảm ATGT đường sắt.
Tuy nhiên, người dân địa phương đã nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền giữ lại để phục vụ nhu cầu lưu thông, phát triển KT-XH. Năm 2018, 7 doanh nghiệp, bến bãi trên địa bàn đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để cứng hóa 880m mặt đê để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Thông tin này cũng đã được Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Giang xác nhận và cho biết: Ngày 21/8/2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường sắt và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tạo điều kiện duy trì lưu thông qua đường ngang trên.
Đồng thời, cho phép Bắc Giang vận động các doanh nghiệp đầu tư kinh phí nâng cấp đường gom, xây dựng hầm chui đạt tiêu chuẩn qua đường sắt, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân.
Để bảo đảm ATGT qua đường ngang trong thời gian chờ xây dựng hầm chui đạt chuẩn, các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn đang hỗ trợ Công ty CP Đường sắt Hà Lạng chi trả lương, bố trí người trực gác, bảo đảm ATGT 24/24h tại vị trí này.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cũng xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết: Cục đã nhận được hồ sơ thiết kế xây dựng hầm chui trên, Cục đang tích cực phối hợp, đôn đốc UBND tỉnh Bắc Giang giải quyết dứt điểm trước năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án bảo đảm trật tự hành lang và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt của Chính phủ.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận