Chiếc xe gây tai nạn đã được che chắn bảo quản tại Công an huyện Tiên Lữ |
Có kết luận pháp y, người “thế vai” im lặng
Ngày 2/4, PV Báo Giao thông tìm gặp anh Nguyễn Văn Quyền (SN 1984, trú tại thôn Tính Ninh, xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên) - người ban đầu tự nhận là lái xe gây tai nạn chết người trong vụ TNGT đâm 4 học sinh nhưng đã được cơ quan công an “minh oan” sau đó. Tại nhà, anh Quyền tỏ ra khá mệt mỏi và tỏ thái độ bất hợp tác với các câu hỏi của chúng tôi liên quan đến vụ tai nạn. Quyền gắt giọng: “Giờ không muốn nói gì cả, mời các anh uống nước và lần sau không nên vào nhà tôi nữa”.
Theo những người hàng xóm, từ khi về nhà, Quyền vẫn đi đổ vật liệu xây dựng và ít tiếp xúc với mọi người.
Một diễn biến khác, chiều 2/4, trực tiếp làm việc với PV, Trung tá Ngô Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết: “Sáng 2/4, đại diện Công an huyện Tiên Lữ đã nhận được kết luận pháp y vụ TNGT đâm 4 học sinh khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng của đơn vị. Theo kết luận, nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não, vỡ xương sọ”.
Thiếu tá Phan Việt Anh, Phó trưởng Công an huyện Tiên Lữ cho biết, ngay sau khi gây TNGT, ông Thụy có gọi Quyền đến và kể lại vụ tai nạn, lúc này Quyền có nói sẽ đứng ra nhận thay. Hiện cơ quan điều tra cũng đã nhận được kết quả pháp y và sẽ nhanh chóng làm việc với Viện kiểm sát để củng cố hồ sơ, tiếp tục xử lý vụ việc.
Trao đổi với PV chiều cùng ngày, Đại tá Đỗ Đình Hào, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, vụ TNGT đâm 4 học sinh tại huyện Tiên Lữ có tính chất nghiêm trọng vì các nạn nhân đều là trẻ em. Vụ tai nạn nhận được sự chú ý của dư luận nên ngay từ đầu, Công an tỉnh đã chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an huyện Tiên Lữ phải làm việc nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ, vi phạm mức độ nào thì xử mức độ đó và phải báo cáo Ban Giám đốc về diễn tiến quá trình điều tra thường xuyên. Chiều ngày 30/3, Ban giám đốc Công an tỉnh cũng đã báo cáo lên Thường vụ Tỉnh ủy.
“Tai nạn do… vận hạn, xử lý phải có tình” (?)
Khi được hỏi về vụ việc đã xảy ra 10 ngày và đến nay, công tác xử lý cán bộ đối với ông Phạm Văn Thụy vẫn chưa được tiến hành, ông Tạ Hồng Quảng, Bí thư Thành ủy Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Hiện chưa ai, cơ quan nào kết luận đồng chí Thụy vi phạm. Vụ TNGT là chuyện không may, không ai mong muốn. Ngoài việc làm theo đúng quy định, mình còn phải có tình, có nghĩa. Người ta đang vận hạn thế mà mình cứ “giáng” một cái, trong khi chưa có một căn cứ gì”(?)
Diễn biến vụ việc Đêm 23/3, trên QL38B đoạn qua thị trấn Vương (huyện Tiên Lữ), ô tô BKS 29A - 105.65 bất ngờ đâm vào 4 học sinh đang đi bộ cùng chiều. Sau khi gây tai nạn, lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường. Vụ tai nạn làm em Bùi Đăng Phát (SN 2001, trú thị trấn Vương) tử vong, hai em khác bị thương nặng. Đến 7h sáng 24/3, Nguyễn Văn Quyền đến cơ quan công an trình diện và khai nhận chính là người lái chiếc ô tô trên. Tuy nhiên, chiếc ô tô gây tai nạn là của ông Phạm Văn Thụy, hết hạn đăng kiểm từ ngày 7/3/2018. Chiều 27/3, ông Thụy đã tới cơ quan công an khai nhận trực tiếp điều khiển xe ô tô gây ra vụ tai nạn trên. |
PV tiếp tục đặt vấn đề về việc dư luận bức xúc về tính chất vụ việc và mong muốn cơ quan chức năng xử nghiêm hành vi gây TNGT rồi bỏ trốn của Chủ tịch xã - người đứng đầu chính quyền của một địa phương, ông Quảng nói: “Mức độ bức xúc thế nào chúng tôi biết chứ không phải không, trước hết gia đình bị nạn có bức xúc không mà cứ nói bức xúc? Khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền chúng tôi sẽ xử lý kịp thời theo quy định của tổ chức cán bộ”.
Ông Trần Đăng Khơi, Bí thư Đảng ủy xã Trung Nghĩa cho biết: “Ngày 1/4, ông Thụy có trao đổi với tôi là sẽ xin nghỉ phép 10 ngày để giải quyết việc riêng. Ngày 2/4, ông Thụy sẽ gửi đơn xin phép lên Thành ủy, UBND TP Hưng Yên và cơ quan nơi làm việc”.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), xét theo diễn biến của vụ TNGT trên, trong quá trình điều tra, cơ quan công an xác định có dấu hiệu phạm tội (ví dụ: Gây tai nạn chết người nhưng bỏ trốn, không cấp cứu nạn nhân, phương tiện gây tai nạn đã hết hạn đăng kiểm…) và nguyên nhân dẫn đến tử vong của nạn nhân là do TNGT thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, còn việc bắt tạm giam thì tùy theo tình hình.
Nếu bị can có dấu hiệu cản trở điều tra như: Mua chuộc nhân chứng, tạo bằng chứng giả… thì cơ quan điều tra phải áp dụng biện pháp bắt tạm giam, nếu không cần thiết sẽ ra biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra. “Khi đã có đủ bằng chứng về việc gây tai nạn, thực tiễn hiện trường và kết luận pháp y, trước hết phải khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra, làm rõ. Nếu chậm trễ, kéo dài sẽ gây hoang mang, tăng sự bức xúc của gia đình các nạn nhân và dư luận”, luật sư nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận