Xã hội

Chủ trì hội nghị phát triển thị trường vốn, Thủ tướng nêu hàng loạt câu hỏi

22/04/2022, 16:52

Thủ tướng cho biết, việc xử lý vi phạm về chứng khoán vừa qua là cần thiết, đây là hướng đi nhằm làm trong sạch, lành mạnh thị trường.

Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư

Chiều 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong sự đóng góp chung của cả nước có sự đóng góp quan trọng của thị trường vốn. Thị trường tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong huyết mạch của nền kinh tế.

Theo người đứng đầu Chính phủ, thời gian qua, thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả chiều rộng và chiều sâu, quy mô sản phẩm tăng nhanh, góp phần huy động nguồn lực tài chính quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ cung ứng vốn truyền thống, tín dụng ngân hàng cho thúc đẩy kinh tế.

Thị trường vốn hình thành và vận hành đầy đủ gồm: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và ngày càng hoàn thiện, với quy mô tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Năm 2021 đạt 134,5% GDP, gấp 3,5 lần năm 2015. Giá trị giao dịch hàng ngày tăng mạnh, bình quân từ đầu năm đến nay 30,8 nghìn tỉ đồng, tăng 15,9% so cùng kì. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra.

Thủ tướng cho rằng nếu phát triển nhanh mà bền vững thì tốt. Tuy nhiên, thị trường vốn còn hạn chế bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường, các vấn đề khác liên quan đến hoạt động lành mạnh.

“Cá biệt còn có tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng phải xử lý. Những sai phạm này chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư chân chính. Đây là hướng đi cần thiết làm trong sạch, lành mạnh thị trường theo hướng bền vững, an toàn, hiệu quả hơn. Tức là hy sinh lợi ích trước mắt để đổi lấy phát triển bền vững lâu dài”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc này trong thời gian gần đây, góp phần lành mạnh hóa thị trường. Trong đó, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ là khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động chân chính, lành mạnh, tuân thủ quy định của pháp luật.

Cùng với đó là kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, lợi ích nhóm, trục lợi, bất hợp pháp để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, doanh nghiệp tôn trọng nhà đầu tư làm ăn lành mạnh, chính đáng. “Muốn bảo vệ cái tốt thì phải xử lý cái xấu”, Thủ tướng nói.

Đồng thời thực hiện mọi biện pháp để phát triển thị trường công khai minh bạch, lành mạnh và phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Cho rằng, quá trình phát triển bao giờ cũng phát sinh mâu thuẫn, phải giải quyết những mâu thuẫn này để phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh: “Quan trọng là nhìn ra những hạn chế, yếu kém để cương quyết xử lý kịp thời, hiệu quả”.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng là nhanh chóng làm trong sạch, lành mạnh thị trường, bảo vệ lợi ích và quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta hoàn toàn không chủ quan, mà có căn cứ vững chắc, tin tưởng vào sự phát triển của thị trường, xuất phát từ thực tiễn tình hình, triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quan điểm mà nhiều tổ chức tài chính, tiền tệ, chuyên gia quốc tế, trong nước có uy tín đều khẳng định: “Thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam có những yếu tố nền tảng vững chắc từ tiềm lực, triển vọng của nền kinh tế và sự năng động, hiệu quả của khu vực sản xuất kinh doanh và có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế”.

Theo Thủ tướng, với những điều kiện đó, chúng ta có thể vươn lên trở thành một trong những thị trường mới nổi thành công của khu vực và thế giới.

Tại sao vẫn còn tình trạng tràn lan tin đồn sai sự thật?

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận tập trung vào một số vấn đề trọng tâm. Trong đó, đánh giá thực trạng tình hình và xu thế vận động, phát triển của thị trường. Nhận diện những vấn đề chính sách chủ yếu đặt ra. Các biện pháp cụ thể khắc phục trong ngắn hạn và định hướng chiến lược, giải pháp trong trung hạn và dài hạn.

"Môi trường vĩ mô cần làm gì? Thể chế cần làm gì? Hạ tầng, công nghệ cần làm gì?... Để thị trường phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả và bền vững chúng ta cần phải làm gì?", người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề.

Về cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, Thủ tướng yêu cầu cần trả lời những câu hỏi: Tại sao vẫn còn và vẫn để xảy ra các trường hợp thao túng thị trường, vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp? Phải chăng do công tác kiểm tra, giám sát còn yếu, chưa nghiêm hay sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ? Hay do hành vi vi phạm quá tinh vi, phức tạp khó phát hiện? Giải pháp cụ thể nào, thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, hiệu quả?

Về thông tin thị trường, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, Thủ tướng nêu vấn đề: Vì sao các chủ thể tham gia thị trường vẫn chưa tuân thủ tốt các quy định về công bố, bảo đảm tính chính xác của thông tin? Trách nhiệm của cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm toán ở đâu? Cần giải pháp cụ thể là gì để sớm khắc phục được tình trạng này?

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành nêu rõ, cần có cơ chế, chính sách, biện pháp gì để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia thị trường?

Về công tác thông tin, truyền thông, Thủ tướng nêu hàng loạt câu hỏi, trong đó cần trả lời "Tại sao vẫn còn tình trạng tràn lan tin đồn sai sự thật, gây hoang mang dư luận làm giảm lòng tin của nhà đầu tư?".

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan ghi chép đầy đủ, tổng hợp toàn diện, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo và hoàn thiện văn bản dự thảo và trình ban hành sau hội nghị này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.