Hạ tầng

Chú trọng xây dựng hạ tầng nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc ở ĐBSCL

05/04/2022, 21:54

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đồng bộ trong vùng đồng bào dân tộc, cần chú trọng xây dựng hạ tầng nông thôn.

Ngày 5/4, tại Sóc Trăng, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo "Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".

img

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Phạm Bình Minh cho rằng, hội thảo lần này có ý nghĩa rất lớn, là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quốc hội đã phê duyệt đầu tư phát triển trong giai đoạn 2021-2025 với tổng trị giá 137.000 tỷ đồng để xây dựng mục tiêu Quốc gia xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

"Hội thảo lần này có ý nghĩa rất lớn, là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình phục hồi phát triển kinh tế sau dịch Covid-19; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội… thực hiện vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng vừa đảm bảo an sinh xã hội", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng ĐBSCL còn rất nhiều vấn đề đặt ra, như: tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 12%, cận nghèo 11,9%; còn 23,3% đồng bào Khmer trên 15 tuổi không biết đọc, biết viết tiếng Việt; 93% lao động không có chuyên môn kỹ thuật; 18,9% số hộ đang ở nhà tạm bợ…

"Đây là những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức cần phải được giải quyết, tháo gỡ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia tới đây", ông Mẫn nói.

Để đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, phát huy được tiềm năng lợi thế của mình, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần phải phát triển nguồn nhân lực. Đây là vừa là mục tiêu, vừa là động lực chính để khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù riêng có của đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực ĐBSCL.

"Phát huy tinh thần tự lực phấn đấu vươn lên của người dân để phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đồng bộ. Trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng nông thôn đảm bảo tất cả các xã có đường giao thông đi lại thuận lợi, có điện, hệ thống cấp nước, trạm xá, bưu điện, các cơ sở, dịch vụ sản xuất thiết yếu…", ông Mẫn nhấn mạnh.

Hội thảo đã tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, xác định rõ những giải pháp đặc thù trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 nói chung.

Đồng thời, lồng ghép nguồn lực của địa phương. Đặc biệt là lồng ghép trong việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.