Tình trạng chặn nhầm, chậm gỡ cảnh báo phương tiện chưa nộp phạt vi phạm giao thông không chỉ gây phiền phức cho chủ xe mà còn khiến các trung tâm đăng kiểm phải làm thêm việc, thêm trách nhiệm.
Chủ xe nổi khùng, trút giận lên đăng kiểm viên
Ông Hoàng Bảo Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-16D kể, trung tâm của ông vừa làm thủ tục đăng kiểm cho xe ô tô con BKS 30F-025.xx. Trên chương trình quản lý kiểm định của Cục Đăng kiểm VN cảnh báo phương tiện này vi phạm giao thông tại Quảng Ninh nhưng chưa nộp phạt nên chỉ được tiếp nhận kiểm định, cấp chứng nhận đăng kiểm thời hạn 15 ngày.
Tuy nhiên, khi đăng kiểm viên thông báo tới chủ xe và cho xem thông báo bị phạt, chủ xe lập tức nổi khùng, khẳng định xe không vi phạm giao thông tại địa phương trên.
“Chúng tôi phải giải thích rất lâu và cũng chỉ biết hướng dẫn chủ xe gọi điện liên hệ với cơ quan ra thông báo vi phạm để giải quyết. Phải đến ngày hôm sau, cơ quan kia thông báo lại cho trung tâm đăng kiểm là chặn… nhầm với nguyên nhân do biển số xe bị ghi nhầm từ 30E thành 30F”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị ông cũng nhiều lần khổ sở vì có 5 - 6 trường hợp xe bị chặn nhầm. Và mỗi lần như thế, đăng kiểm viên, lãnh đạo trung tâm đều “lãnh đủ” những lời lẽ khó nghe từ các chủ xe.
Đại diện trung tâm đăng kiểm trên giải thích thêm, trước năm 2020, xe ô tô vi phạm bị chặn đăng kiểm do chưa nộp phạt vi phạm giao thông phải giải quyết xong vi phạm mới được tiếp nhận đăng kiểm. Từ năm 2020, theo quy định tại Nghị định 100, phương tiện vẫn được tiếp nhận đăng kiểm nhưng chỉ được cấp chứng nhận đăng kiểm với thời hạn 15 ngày và không hạn chế số lần đăng kiểm.
Theo tìm hiểu của PV tại một số trung tâm đăng kiểm khác cũng cho thấy, bên cạnh các trường hợp xe bị chặn đăng kiểm nhầm do ghi sai biển số còn có không ít trường hợp do trùng với xe biển số giả.
“Có trường hợp xe 4 chỗ bị cảnh báo chặn đăng kiểm 5 lần do bị ghi nhận vi phạm lỗi tốc độ, dừng tại Đà Nẵng, song chủ xe khẳng định không lưu thông ở địa phương trên. Khi trung tâm hỗ trợ khách hàng kiểm tra hồ sơ, liên hệ xác minh với cơ quan CSGT thì thấy phương tiện vi phạm là xe 7 chỗ nên báo cho cơ quan thông báo, Cục Đăng kiểm VN và đăng kiểm bình thường để tránh bức xúc cho khách hàng”, ông Trịnh Thành Công, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 28-01S cho biết.
Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, thời gian qua tiếp nhận không ít trường hợp chủ phương tiện, trung tâm đăng kiểm gọi điện phản ánh về việc xe bị chặn nhầm đăng kiểm.
“Khi nhận được phản ánh, bộ phận phụ trách chủ yếu kiểm tra, đối chiếu với biển số xe, còn chủ phương tiện phải liên hệ với cơ quan ra thông báo vi phạm để giải quyết”, vị này cho biết.
Cần quy định rõ quy trình, tránh gây khó dễ
Theo quy định tại Nghị định 100, trường hợp phương tiện vi phạm chấp hành nộp phạt xong, cơ quan xử phạt phải thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm để xóa cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định để phương tiện được tiếp nhận đăng kiểm bình thường.
Tuy vậy, theo một số trung tâm đăng kiểm, thực tế nhiều trường hợp người vi phạm đã nộp phạt xong nhưng trên hệ thống vẫn chưa xóa cảnh báo, khiến đơn vị đăng kiểm phải lưu chứng từ (biên lai nộp phạt, quyết định xử lý vi phạm…) chứng minh đã xử lý vi phạm mà khách hàng cung cấp để đăng kiểm trước và gửi lên Cục Đăng kiểm VN đề nghị xóa cảnh báo sau.
“Nếu không đăng kiểm sẽ bị mất khách hàng. Tuy nhiên, việc này khiến trung tâm đăng kiểm thêm việc, thêm trách nhiệm”, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm nói.
Ông Đinh Nguyễn Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-06V cho biết thêm, bất cập nhất hiện nay là cơ quan đăng kiểm dù trực tiếp hỗ trợ lực lượng chức năng cưỡng chế, xử phạt vi phạm giao thông nhưng không được hưởng thêm chi phí gì.
Trong khi đó, ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, nguyên nhân việc chậm xóa cảnh báo đăng kiểm do trong quy định về chặn đăng kiểm không nêu rõ thời hạn cơ quan xử phạt vi phạm giao thông phải thông tin lại cho Cục Đăng kiểm VN để xóa cảnh báo.
“Có trường hợp CSGT, TTGT thông tin lại ngay trường hợp xe đã chấp hành nộp phạt để xóa cảnh báo, song cũng có khi tập hợp danh sách để gửi một thể. Nhiều trường hợp Cục phải chủ động xóa cảnh báo để bảo đảm quyền lợi của chủ phương tiện”, ông Quân nói và cho biết, số lượng xe bị đề nghị chặn đăng kiểm rất lớn nên Phòng phải cử một người chuyên trách công việc đăng, xóa cảnh báo xe.
Theo ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, đơn vị đăng kiểm không có thẩm quyền xử lý vi phạm giao thông, song việc chặn đăng kiểm là biện pháp phối hợp giúp mang lại hiệu quả cho việc xử lý vi phạm hành chính. Tuy vậy, cần có quy định hướng dẫn để đảm bảo công tác này được công khai, minh bạch và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ xe, không bị gây khó dễ, chậm trễ đăng kiểm sau khi đã chấp hành nộp phạt.
Xe bị chặn đăng kiểm tăng hơn 3 lần
Theo Cục Đăng kiểm VN, trong hơn 9 tháng đầu năm 2020, có gần 21.100 trường hợp ô tô bị chặn đăng kiểm do chậm nộp phạt vi phạm giao thông, tăng hơn 3 lần so với cả năm 2019. Các trường hợp bị chặn đăng kiểm được lựa chọn phương án giải quyết xong vi phạm để đăng kiểm bình thường hoặc đăng kiểm ngay với thời hạn cấp chứng nhận kiểm định 15 ngày và không hạn chế số lần. Tuy nhiên, theo một số trung tâm đăng kiểm, hầu hết chủ xe chọn phương án giải quyết xong vi phạm để đăng kiểm bình thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận