Đến công đoạn cất nóc mới lộ ra chuyện tính pháp lý chưa rõ ràng.
Đó là dự án khách sạn 5 sao Hilton Saigon, 312 phòng, tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, toạ lạc tại số 11 Công trường Mê Linh.
Đây được coi là “khu đất kim cương”, thuộc loại đắc địa nhất TP.HCM.
Chủ đầu tư của dự án là Công ty CP Đầu tư Sản xuất Kinh doanh Sài Gòn Cửu Long (Công ty Sài Gòn Cửu Long).
Khách sạn Hilton Saigon tọa lạc trên khu đất 2.208m2, vốn trước đây là đất của Tổng công ty Công nghiệp In - Bao bì Liksin - TNHH MTV. Sau khi cổ phần hoá, đất này “về tay” Sài Gòn Cửu Long.
Dự án khách sạn này được Sở Xây dựng TP HCM cấp phép xây dựng phần ngầm vào năm 2017. Đến cuối năm 2019, được cấp phép xây dựng phần tầng cao và đến tháng 4/2020 thì cất nóc. Hiện công trình đang ở hạng mục hoàn thiện, dự kiến đi vào khai thác năm 2021 với 34 tầng.
Nhưng xây gần đến nóc thì Hilton Sài Gòn xảy ra chuyện, cổ đông kiến nghị mời Thanh tra Chính phủ vào cuộc, đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố xem xét tính pháp lý của dự án. Nếu chuyện không do người trong cuộc tố ra thì có lẽ khách sạn 34 tầng vẫn yên ổn cho tới ngày khánh thành.
Tháng 9/2020, Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM cho biết, Sở chưa từng cấp chứng nhận nào cho dự án đầu tư tới 3.000 tỷ đồng này. Công trình này chưa được cấp Quyết định chủ trương đầu tư; Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Về mặt pháp lý, dự án đã được cấp phép xây dựng nhưng thật khó hiểu về sự phối hợp của các cơ quan chức năng ở TP HCM, khi một dự án lớn như vậy, mọc giữa lòng khu đất đắc địa nhất thành phố mà các cơ quan liên quan không hề hay biết, cũng không rõ dự án thiếu thủ tục nào.
Một khách sạn hàng trăm phòng mọc lên giữa trung tâm TP.HCM luôn tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Không chỉ kiến trúc, cảnh quan, môi trường… mà còn gây áp lực rất lớn đến giao thông đô thị.
Cơ quan nào đã đánh giá những tác động này? Trung tâm thành phố vốn đã chật như nêm, chèn vào một tòa cao ốc 34 tầng, thì bài toán giao thông được xử lý ra sao, cảnh quan không gian sống trong khu vực bị ảnh hưởng thế nào?... Quá nhiều câu hỏi cần được mổ xẻ.
Còn nhớ khoảng 15 năm về trước, những cao ốc được xây dựng ở khu trung tâm quận 1, nhất là trong bán kính 1km quanh UBND TP - luôn được “soi” rất kỹ bởi các công trình xây dựng phải bảo đảm yếu tố hài hoà với kiến trúc không gian.
Toà nhà Metropolitan trên đường Đồng Khởi một thời “lên bờ xuống ruộng” vì có độ cao vượt trên mái nhà UBND TP nhìn từ hướng bến Bạch Đằng. Dư luận bất bình. Nói vậy để thấy ở vùng lõi trung tâm TP.HCM, mọi vật kiến trúc đều tác động rất lớn đến cảnh quan, môi trường và tâm lý, tình cảm của người dân đô thị này.
Thế nhưng khi công luận ngày càng yêu cầu thực hiện quy hoạch chặt chẽ hơn, khi giao thông ngày một quá tải thì 15 năm sau, một toà cao ốc 34 tầng lại lặng lẽ mọc lên một cách thanh bình ngay giữa trung tâm thành phố, cho đến khi nó cất nóc các cơ quan chức năng mới quáng quàng… rà soát tính pháp lý(!).
Có khuất tất gì ở đây không thì chưa biết nhưng rõ ràng có sự lỏng lẻo trong quản lý hoặc sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các sở, ngành, cơ quan chức năng TP.HCM. Mà sự lỏng lẻo nào cũng tạo ra kẽ hở cho sự tùy tiện và rất có thể tạo ra lợi ích cho một nhóm người.
Câu chuyện chưa ngã ngũ và chưa biết TP.HCM xử lý sao với trường hợp “gạo đã nấu thành cơm” này!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận