Theo Hoa khôi Khánh Ngân, chưa có chuẩn để phân biệt người mẫu chân chính và người mẫu kinh doanh thân xác. (Trong ảnh, Khánh Ngân đăng quang cuộc thi Hoa khôi du lịch Việt Nam 2017. Ảnh: Kenh14) |
Những ngày qua, việc PC 45 triệt phá một đường dây mua bán mại dâm với người liên quan là một số người đẹp mang danh hoa khôi, á khôi, diễn viên... khiến dư luận xôn xao. Cũng từ đây, một bộ phận không nhỏ khán giả cũng lên tiếng chỉ trích, đánh đồng các người đẹp mang danh hoa khôi, hoa hậu, người mẫu, diễn viên.
Chia sẻ với Báo Giao thông, Đỗ Trần Khánh Ngân - Hoa khôi du lịch Việt Nam 2017 cho rằng, khi làm bất cứ việc gì, mỗi người đều có lý do riêng dù đó là việc tốt hay việc xấu. Những người không phải đại diện cho pháp luật thì cũng không nên phán xét quá nhiều về những cô gái kiếm tiền bất hợp pháp từ hành vi môi giới mại dâm.
"Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi đọc những vụ lùm xùm về người đẹp bán dâm. Người ngoài không biết mình có làm nghề chân chính, hay lại như những cô gái kia. Nên thời gian trước đây, tôi từng băn khoăn không biết có nên nói ra danh xưng của mình đi sự kiện hay không, vì sợ mọi người nghĩ sai về mình. Nhưng nghĩ kỹ lại, tôi nhận thấy mình không làm gì sai. Danh xưng hoa khôi cũng không có lỗi vì cuộc thi được nhà nước cấp phép, là sân chơi để các cô gái có ngoại hình đẹp được thi thố, được mọi người công nhận", Khánh Ngân tâm sự.
"Tú bà" Phạm Thị Thanh Hiền - người đang bị công an điều tra về hành vi mại dâm từng đăng quang "Hoa khôi thời trang Việt Nam 2017". |
Á quân của The Face 2016 nhìn nhận, việc dùng danh hiệu hoa khôi, người mẫu để làm gì là mục đích của mỗi người. Dù vậy, bất cứ ai cũng như không nên hạ thấp hay cảm thấy xấu hổ với những danh hiệu mà mình đã cố gắng để đạt được. Khánh Ngân bộc bạch: "Tôi nghĩ khi làm gì, mình cũng phải tự tin về nghề của mình, tự tin những gì mình làm là đúng thì sẽ có suy nghĩ tích cực hơn và làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Khi mình cứ nghĩ tiêu cực thì sẽ không ai dám làm gì, nghề này cũng sẽ không phát triển được nữa".
Cũng theo Hoa khôi Khánh Ngân, hiện tại, ở Việt Nam và trên thế giới vẫn chưa có tiêu chuẩn rõ ràng để phân biệt người đẹp nào làm nghề chân chính, người đẹp nào dùng thân xác để kinh doanh. Do đó, để bảo vệ quyền lợi và danh dự cho những hoa hậu, người mẫu, hoa khôi..., các cơ quan quản lý như Cục NTBD hay Sở văn hóa nên có những biện pháp thiết thực, như kiểm soát chặt chẽ các cuộc thi người đẹp, hoặc cấp giấy phép hành nghề.
"Nhưng kỳ thực, tôi nghĩ chúng ta nên bảo vệ bản thân mình trước những cám dỗ, điều tiếng bằng lòng tự trọng của bản thân. Nỗ lực hoạt động hết mình với nghề nghiệp để mọi người thấy được những điều tốt đẹp từ nghề chứ không phải những điều không hay ho kia", Hoa khôi du lịch Việt Nam 2017 thẳng thắn.
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận