Vừa thi công vừa chờ đất
Tới nay cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai đã trải qua hơn 400 ngày thi công.
Tại dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, xe máy chủ yếu tập trung thi công đoạn qua huyện Long Thành do đã có mặt bằng liền khoảnh được gần 4km.
Xe xúc, xe lu, xe tải chở đất đá tập trung thi công cống, đào đắp nền, cầu vượt trên tuyến, đúc dầm. Ngoài ra còn xử lý, phát quang dọn dẹp mặt bằng.
Trong đó, gói thầu 21 thi công từ Km6+200 đến Km16+000 thi công đạt 6%. Gói 18 từ Km0+000 đến Km6+200 thi công được 0,79%.
"Chúng tôi đang trong tình trạng khẩn cấp về tiến độ nhưng lại thiếu mặt bằng, đất đắp. Đáng lẽ mỗi ngày phải có đủ khoảng 10.000m3 đất nhưng hiện tại đáp ứng được 3.000m3, thi công cầm chừng.
Nhà thầu như bị mắc kẹt giữa mặt bằng và đất đắp, gây lãng phí nhân lực và tăng nhiều chi phí", đại diện Công ty Lizzen thi công gói thầu 21 cho biết.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai (chủ đầu tư dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu và dự án thành phần 3 Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai) cho biết thiếu đất, cát đắp khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều nhưng đến nay dự án vẫn chưa đủ đất, cát đắp nền. Do đó nhà thầu phải thi công cầm chừng ở nhiều đoạn tuyến", ông Ân nói.
Tương tự, ở dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, gói số 9 huy động 285 nhân sự, 66 máy móc triển khai 23 mũi thi công tuyến đường chính và cầu, sản lượng đạt 21,48%.
Còn gói thầu số 10 nhà thầu thi công đã huy động 96 nhân sự, 47 máy móc và thiết bị triển khai 19 mũi thi công, sản lượng đạt khoảng 5%.
“Nếu tình trạng thiếu đất đắp kéo dài, có thể khiến dự án bị trễ đến vài tháng. Lâu nay việc phải liên tục điều chỉnh kế hoạch thi công gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án", một kỹ sư chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ban QLDA thành phần 2 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (Ban QLDA 85) cho biết khó khăn mặt bằng giải quyết chưa xong thì lại vướng đất đắp, bãi đổ thải.
Ban QLDA nhiều lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh, các đơn vị liên quan có phương án hỗ trợ. Tuy nhiên đến nay đây vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Theo ông Hà, từ 10/2024 đến 4/2025 là mùa khô, thuận lợi thi công nên phải tập trung nền đường. Đất đắp cần hơn 3 triệu m3 nhưng hiện mới đáp ứng được khoảng 1,6% tổng nhu cầu.
"Nhanh và thuận lợi nhất vẫn là lấy đất từ nhà ga T3 cho cao tốc. Bởi hai dự án cạnh nhau, di chuyển dễ dàng bằng đường công vụ, không mất ATGT, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Thực tế nếu mỏ đất xa dự án, mỗi ngày khoảng 40.000m3 đất được vận chuyển về cao tốc, tương đương 4.000 chuyến xe/ngày sẽ gây áp lực rất lớn cho QL51 và các tuyến đường nội tỉnh", ông Hà cho hay.
Có đất sẽ đẩy nhanh thi công
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, thống kê tổng nhu cầu vật liệu Vành đai 3 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu gồm: đá xây dựng các loại hơn 2,2 triệu m3, cát san lấp hơn 1,1 triệu m3; đất đắp hơn 5,8 triệu m3.
Thực tế các mỏ khoáng sản ở Đồng Nai cơ bản đảm bảo đủ nguồn vật liệu phục vụ các công trình giao thông, xây dựng hạ tầng.
Tuy nhiên, do vướng mắc về hồ sơ thủ tục liên quan nên nguồn cung đất cho dự án bị hạn chế. Đồng Nai nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy trình, quy hoạch nhưng vẫn chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
"Đất T3 qua kiểm tra phân tích, phù hợp, đảm bảo chất lượng đắp cao tốc. Hơn nữa, cự ly vận chuyển tới công trình ngắn, thuận lợi.
Còn về việc dùng đất T3 đắp cao tốc có thay đổi tổng mức đầu tư hay gây thiệt hại ra sao thì chưa có cơ sở xác định", Sở Tài nguyên - Môi trường nêu rõ.
Hồi đầu tháng 8, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi các ban, bộ ngành đề nghị xem xét, xử lý khó khăn, vướng mắc đối với khai thác vật liệu cát san lấp, đất đắp. Đồng thờii, xin áp dụng cơ chế đặc thù cho dự án về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có cơ chế đặc thù, cho phép khai thác hạ cốt nền tại khu vực không phải là địa điểm quy hoạch mỏ khoáng sản.
"Sau khi giải quyết vấn đề này, Đồng Nai cam kết đưa hai dự án vào khai thác đồng bộ với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành", ông Võ Tấn Đức nói.
Đồng Nai xin 4 vị trí lấy đất đắp các dự án trọng điểm
Theo thống kê, tổng nhu cầu vật liệu cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai và vành đai 3 gồm: đá xây dựng các loại hơn 2,2 triệu m3, cát san lấp hơn 1,1 triệu m3, đất đắp hơn 5,8 triệu m3.
Đồng Nai đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho sử dụng nguồn đất tại 4 khu vực, bao gồm: xã Phước Bình (Long Thành); phường Phước Tân và phường Tam Phước (thành phố Biên Hòa); tại khu vực sẽ xây nhà ga T3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận