Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Đối thoại doanh nghiệp “Giải pháp về hợp đồng giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ và Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP.HCM tổ chức ngày 31/8.
Quy định riêng do một số địa phương đặt ra khiến lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh tại Cần Thơ cho biết, từ khi dịch bùng phát tại TP.HCM, sau đó lan ra các tỉnh thành phía Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng rất lớn.
Trong đó, đáng chú ý là các doanh nghiệp chế biến nông thủy sản khu vực ĐBSCL, vốn là ngành chủ lực của khu vực đã bị tác động rất lớn. Điều này còn ảnh hưởng tới hầu hết các hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã và cả trung gian thu mua do không tiêu thụ được nguyên liệu.
Ông Lam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 6.000 doanh nghiệp khu vực ĐBSCL phải rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, chỉ trong 3 tháng gần đây, con số này đã lên tới 10.000; Doanh thu trong quý II giảm sút từ 40-50%. Riêng các doanh nghiệp đang phải tạm ngưng hoạt động lên tới 90%.
Ông Lam cho rằng, khu vực ĐBSCL hiện đang có một số vấn đề khó khăn rất lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Trong đó, nổi cộm nhất là việc không nhất quán trong quy định giữa các địa phương trong khu vực.
“Quy trình sản xuất là phải lưu thông từ cánh đồng tới nhà máy và ra đến thị trường, tuy nhiên hiện nay các chính sách, quy định không phải địa phương nào cùng giống địa phương nào”, ông Lam nói và dẫn chứng về quy định kiểm soát đối với vận chuyển hàng hóa rất khác nhau ở 13 tỉnh miền Tây.
Các khó khăn còn lại liên quan đến việc hạn chế sản xuất, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động, các chính sách hỗ trợ về tài chính, ngân hàng, chính sách hỗ trợ cho lao động của doanh nghiệp…
Cùng quan điểm, ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho rằng các quy định riêng do một số địa phương đặt ra đã gây ách tắc và gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa. Điều đó đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển tăng cao.
Theo ông Tâm, Chính phủ, Bộ GTVT đã có những chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể đảm bảo vận chuyển hàng hóa lưu thông thông suốt, mặc dù vậy một số địa phương vẫn đặt thêm các điều kiện riêng. “Việc này cần phải sớm chấm dứt, bởi nó gây cản trở tới quá trình lưu thông, cung ứng hàng hóa”, ông Tâm nói.
Ngoài ra, theo ông Tâm, các ngân hàng cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về hỗ trợ vốn, cơ cấu lại nợ, giãn nợ... để tiếp sức cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Trong khi đó, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chia sẻ một số vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Cụ thể, đó là: khi nào hết giãn cách khi các địa phương đã trải qua 4 đợt thực hiện? Phương án nào cho doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trong tình trạng hiện nay? Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì sau khi nới lỏng giãn cách?...
Từ đó, ông Phạm Bình An khuyến nghị, cần trao quyền chủ động tổ chức sản xuất cho doanh nghiệp gắn với việc đảm bảo nghiêm ngặt việc phòng chống dịch; các doanh nghiệp xây dựng mô hình y tế tại chỗ dưới sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Trước mắt, để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp khi không thể thực hiện hợp đồng, đơn hàng với đối tác do tác động của Covid-19, PSG.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo trọng tài Quốc tế Việt Nam thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khuyến cáo, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với khách hàng.
Nội dung thỏa thuận là có thể coi dịch Covid-19 là hoàn cảnh bất khả kháng hay không để có thể điều chỉnh lại hợp đồng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận