Khuyến khích đổi sang GPLX dạng PET
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước rơi vào tình trạng hết phôi ấn chỉ, hết nguyên liệu để in giấy phép lái xe (GPLX). Nguyên nhân do nhu cầu cấp, đổi GPLX của người dân tăng đột biến.
Tại Hà Nội, tình trạng người dân ùn ùn đi đổi GPLX diễn ra từ đầu năm 2024. Ngoài những tài xế làm thủ tục do bằng lái đến hạn phải đổi, có không ít trường hợp người dân chưa nắm hết được thông tin.
Cụ thể, một số người cho rằng theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025), GPLX sẽ có thay đổi về việc phân hạng, nhất là những người đã có GPLX hạng B1 và B2. Bởi từ ngày Luật này có hiệu lực, B1 và B2 sẽ được đổi, cấp lại sang hạng B.
Về nội dung nêu trên, Bộ Công an cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, trường hợp người có GPLX đã được cấp trước thời điểm Luật có hiệu lực (1/1/2025) sẽ đổi, cấp lại theo 15 hạng GPLX mới.
Người học lái xe đã được đào tạo lái xe trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành hoặc đang được đào tạo lái xe tại ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được sát hạch, cấp GPLX thì được sát hạch, cấp GPLX theo hạng GPLX đổi, cấp lại quy định trên.
Cơ quan chức năng khẳng định, Điều 89 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã nêu rõ, GPLX được cấp trước ngày 1/1/2025 vẫn được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép đó. Trường hợp người có GPLX đã được cấp trước ngày này mà có nhu cầu đổi, cấp lại thì mới thực hiện theo hạng GPLX mới.
Bộ Công an khuyến khích người dân đổi GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 (chủ yếu bằng vật liệu giấy) sang giấy phép dạng mới (bằng vật liệu PET). Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân được chuẩn hóa dữ liệu, dễ dàng tích hợp GPLX vào ứng dụng VNeID để sử dụng thay cho bản gốc.
Về việc sử dụng thông tin GPLX đã tích hợp trên VNeID hay cho bản gốc, thiếu tá Nguyễn Quốc Huy (Đội phó Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an Hà Nội) giải thích, Thông tư 28/2024 có hiệu lực đã nêu rõ, khi thông tin của các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản VNeID thì CSGT thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử và VNeID.
"Theo Thông tư 28/2024 thì từ ngày 1/7/2024, người dân hoàn toàn được sử dụng thông tin GPLX đã tích hợp để thay cho bản gốc", thiếu tá Nguyễn Quốc Huy nói và nhấn mạnh, quy trình lập biên bản, xử lý vi phạm thông qua VNeID nhanh gọn, thuận tiện hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống, nhất là đối với người dân.
Trường hợp bị xử phạt, sau khi người vi phạm nộp phạt online, hệ thống sẽ tự động thông báo việc người vi phạm đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Qua đó, CSGT nắm bắt và tự động thực hiện việc xóa bỏ thông tin về tình trạng tạm giữ, tước giấy tờ (khi hết thời hạn tạm giữ, tước) trên VNeID.
15 hạng GPLX mới
Theo Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông, GPLX từ ngày 1/1/2025 sẽ bao gồm 15 hạng như sau:
Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW.
Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.
Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.
Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận