Liên quan vụ việc chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP HCM) có nhiều hũ cốt ở dưới hầm cốt bị di dời vị trí gom chung vào một chỗ, di ảnh trên hũ cốt bị rớt ra gom thành đống lẫn lộn khiến người thân không thể nhận được tro cốt người đã khuất, dư luận đặt câu hỏi, hành vi trên của chùa Kỳ Quan 2 liệu có vi phạm pháp luật? Và nếu vi phạm thì bị xử lý thế nào?
Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, hành vi chất tro cốt một xó, để di ảnh bung khỏi hũ tro cốt rơi vương vãi dưới nền nhà của chùa Kỳ Quang 2 có dấu hiệu vi phạm Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
"Vụ việc này hoàn toàn có thể khởi tố vụ án để điều tra", luật sư Diệp Năng Bình nói.
Theo luật sư Bình, cho dù bình đựng hài cốt của cá nhân không thuộc nội hàm của khái niệm mồ mả nhưng hỏa táng và đựng tro hài cốt của người thân trong bình, cũng giống như mai táng, là một cách thức thể hiện niềm tin nội tâm của những người còn sống đối với người đã khuất.
Dù là xâm phạm mồ mả theo đúng nghĩa của nó, hay chỉ là một chiếc bình đựng tro hài cốt đều đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm, quyền nhân thân vĩnh viễn gắn liền với nơi an nghỉ cuối cùng của người chết cũng như quyền nhân thân của gia đình, dòng tộc của họ.
Hành vi xâm phạm mồ mả được hiểu là hành vi xâm phạm đến vị trí mai táng xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết theo phong tục, nghi lễ, tôn giáo của cộng đồng dân cư. Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết.
Do đó, theo luật sư Bình, dù với bất kì mục đích gì mà xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết, xâm phạm đến sự nguyên dạng của xác, hài cốt, tro hài cốt hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã mai táng thì đó là hành vi xâm phạm mồ mả.
"Những người có hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác, hài cốt, tro hài cốt của cá nhân trái với ý chí của những người thân thích của những người chết (trừ trường hợp phải di dời mồ mả theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); Người có hành vi thay đổi tấm bia ghi tên người chết có xác, hài cốt, tro hài cốt dưới mộ gây ra sự nhầm lẫn với người thân thích của người chết đó cũng được xác định là hành vi xâm phạm mồ mả, quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Bình nói.
Cũng nhìn nhận sự việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định, pháp luật hiện hành không chỉ bảo vệ tính mạng của con người mà còn bảo vệ tính nguyên vẹn của thi thể, bảo vệ mồ mả, hài cốt của con người sau khi chết. Do vậy, hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là hành vi xâm phạm trật tự công cộng và phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đối với người đã khuất.
Theo luật sư Cường, các hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thể hiện trong thực tế rất đa dạng. Bởi vậy, trong vụ việc tại chùa Kỳ Quang 2, cơ quan chức năng có thể vào cuộc xác minh làm rõ tro cốt mà nhà chùa đã vứt bỏ có được xác định là “hài cốt” hay không? Hành vi vứt bỏ có cố ý xâm phạm đến “hài cốt” của người đã chết hay không? Nội dung bỏ tro cốt, đốt di ảnh này có trong thỏa thuận về gửi giữ, thờ cúng giữa nhà chùa với gia đình người gửi tro cốt hay không? Từ đó làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt như sau:
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận