Điều tra

Chưa là chủ đầu tư đã bán nhà, Alibaba có lừa đảo?

27/11/2017, 07:45

Chưa có giấy phép làm chủ dự án nhưng, Công ty CP Địa ốc Alibaba vẫn ngang nhiên cho khách đặt cọc giữ chỗ...

18

Hàng nghìn người đã tham dự lễ mở bán "Các dự án Alibaba" được tổ chức tại quận Gò Vấp, TP.HCM 

“Thấy hợp tiền thì mua, không biết có giấy tờ gì”

Ngày 26/11, Công ty CP Địa ốc Alibaba tổ chức lễ mở bán “Các dự án Alibaba”. Tham dự trong vai một khách hàng, PV Báo Giao thông được biết, trong buổi sáng Công ty CP Địa ốc Alibaba đã ký hợp đồng mở bán dự án Tân Thành Vũng Tàu và đồng thời đặt cọc giữ chỗ đối với dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Hội nghị thu hút khoảng 2.000 người tham gia, diễn giả thao thao bất tuyệt ở trên bục và ở dưới tung hô… y hệt như trong các sự kiện bán hàng đa cấp.

Như báo chí đã đưa tin, đối với dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, UBND huyện Củ Chi, Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM đã khẳng định dự án này chưa có chủ đầu tư. Tuy nhiên, tại buổi lễ này Công ty CP Địa ốc Alibaba vẫn ngang nhiên cho đặt cọc giữ chỗ.

Ông Nguyễn Thái Luyện, Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty CP Địa ốc Alibaba và cũng là thành viên góp vốn của doanh nghiệp, đứng trước bục làm diễn giả trong buổi mở bán “các dự án” cũng thừa nhận chưa có giấy phép dự án Tây Bắc Củ Chi. Tuy nhiên, ông chủ Công ty CP Địa ốc Alibaba khẳng định sẽ đem lại lợi nhuận cho người mua nhà 25%/năm và cam kết, trong trường hợp công ty không nhận được dự án thì sẽ hoàn trả tiền cho khách hàng 100% và còn trả lãi suất 3%/tháng. Cả hội trường lên tới mấy ngàn người, trong đó sắc đỏ - áo thương hiệu của nhân viên Công ty CP Địa ốc Alibaba chiếm phần lớn ở dưới vỗ tay rào rào khi diễn giả ở trên “hứa”.

Chị T. một khách hàng đặt tới 4 nền tại dự án Tây Bắc Củ Chi cho hay, chị không biết dự án này có giấy tờ gì nhưng… thấy tin và phù hợp với số tiền của mình. Khi được hỏi cơ sở nào để chị đặt niềm tin, nhất là khi người bán lại chưa phải là chủ đầu tư, chị T. ngơ ngác hỏi lại: “Tôi cũng không biết làm sao nữa, thế hôm nay công ty mở bán là bán dự án nào?”.

19

Hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư của Công ty CP Địa ốc Alibaba

Biến hợp đồng giữ chỗ thành hợp đồng góp vốn

Mới đây UBND TP giao Sở Tài nguyên & Môi trường và Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc kiểm tra hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba Tây Bắc TP.HCM (gọi tắt là Công ty CP Địa ốc Alibaba) về dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi để báo cáo, trình TP hướng xử lý. Đồng thời, giao Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc và UBND huyện Củ Chi kiểm tra nắm tình hình, chủ động có phương án xử lý, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.

Dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII 3 (TP.HCM) chưa lựa chọn chủ đầu tư, chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chưa có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện để được huy động vốn. Thế nhưng, Công ty CP Địa ốc Alibaba đã đưa dự án này lên trang web công ty, phát tờ rơi, quảng cáo và nhận tiền giữ chỗ của khách hàng. Thông tin rao bán rầm rộ khiến Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phải ra ngay văn bản cảnh báo Công ty CP Địa ốc Alibaba chưa phải là chủ đầu tư và không có quyền nhận đặt chỗ đối với dự án nói trên.

Trả lời thắc mắc của khách hàng: Tại sao Công ty CP Địa ốc Alibaba chưa là chủ đầu tư của dự án Tây Bắc Củ Chi mà đã tiến hành mở bán dự án này? Ông Luyện cho biết, đây là thỏa thuận dân sự giữa hai bên để góp vốn cho dự án và đảm bảo khách hàng sau khi góp vốn sẽ được mua đất với giá ưu đãi.

Nhiều PV báo chí có mặt tại lễ mở bán dự án này đặt nhiều câu hỏi về cơ sở pháp lý, tính rủi ro của dự án… nhưng gần như không được giải đáp. Vị diễn giả cấp cao nhất Công ty CP Địa ốc Alibaba từ chối vì lí do “chương trình còn nhiều phần nên không thể dành nhiều thời gian để hỏi đáp” và nhanh chóng chuyển qua phần… âm nhạc. Ông Luyện cũng khẳng định, công ty không sai phạm và thời gian qua "nhiều thông tin chưa đúng sự thật ảnh hưởng lớn đến công ty”(?).

LUẬT SƯ TRƯƠNG THANH ĐỨC, CHỦ TỊCH HĐTV BASICO, TRỌNG TÀI VIÊN TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ VIỆT NAM (VIAC):
Alibaba có dấu hiệu lừa đảo

Công ty CP Địa ốc Alibaba không dùng từ hợp đồng đặt cọc cho dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi mà dùng từ hợp đồng góp vốn. Nhưng với những phụ lục đi kèm và dạng góp vốn kiểu này khi có vấn đề pháp lý… thì hợp đồng coi như vô hiệu.

Trong khi đó, Công ty CP Địa ốc Alibaba chưa phải là chủ đầu tư và kể cả công ty này có là chủ đầu tư đi chăng nữa thì hình thức hợp tác góp vốn, hay đặt cọc giữ chỗ lúc này đều là trái quy định của pháp luật.

Vì lách luật nên khi có tranh chấp, rủi ro xảy ra giữa khách hàng và Công ty CP Địa ốc Alibaba sẽ được xử theo dân sự. Tùy vào tình hình cả hai bên đều phải chia sẻ rủi ro khi Công ty CP Địa ốc Alibaba không lấy được dự án.

Theo Khoản 3, Điều 35, Nghị định 121/2013/NĐ-CP, hành vi vi phạm về huy động vốn hoặc mua bán theo hình thức ứng tiền trước với mức phạt từ 100 – 150 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cung cấp thông tin đầy đủ và cải chính thông tin không chính xác, buộc nộp số lợi nhuận bất hợp pháp.

Tuy nhiên, trong trường hợp xét thấy những dấu hiệu kêu gọi đầu tư góp vốn này thực chất là lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền thì sẽ xử theo tội hình sự. Luật quy định từ trên 2 triệu đồng có thể truy tố trách nhiệm hình sự. Lừa đảo chiếm đoạt vài tỉ đồng trở lên tuỳ vào mức độ tội có thể bị kết án chung thân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.