Sáng nay, Đội Quản lý thị trường số 14 đã tiến hành kiểm tra 5 điểm kinh doanh thương hiệu thời trang SEVEN.am trên địa bàn Hà Nội bao gồm: 146-148 Tôn Đức Thắng, 11 Kim Đồng, 146 Thái Hà, 135 Trần Phú, Hà Đông, 506 Nguyễn Văn Cừ.
Theo ghi nhận, trên các sản phẩm được bày bán tại các showroom SEVEN.am đều có tem ghi made in Vietnam, gắn dấu hợp quy mã 14518064, đơn vị phân phối "Công ty cổ phần MHA thời trang SEVEN.am" nhưng không ghi cơ sở sản xuất.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Đặng Quốc Anh, Giám đốc Công ty cổ phần MHA, sở hữu thương hiệu SEVEN.am cho biết, đơn vị chỉ làm thương mại, không sản xuất. Sau khi thiết kế sẽ chuyển sản cho Công ty TNHH Thời trang quốc tế Bảo Anh (Công ty Bảo Anh) may thành phẩm. "Tất cả các sản phẩm SEVEN.am được sản xuất trong nước", ông này khẳng định.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, đại diện này chỉ xuất trình cho đoàn kiểm tra 1 bản Đăng ký nhãn hiệu SEVEN.am còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy Số 14518064; Đăng ký kinh doanh, Hợp đồng kinh tế may mặc được ký từ ngày 2/1/2018 với Công ty TNHH Thời trang quốc tế Bảo Anh, 1 hoá đơn thanh toán với Công ty Bảo Anh từ tháng 5/2019 và không giải thích được cơ sở chất lượng gắn số hợp quy.
Kết thúc buổi làm việc sáng, đoàn công tác chưa đủ cơ sở kết luận nguồn gốc hàng hoá được bán tại SEVEN.am.
Đại diện Đội quản lý thị trường 14 yêu cầu đơn vị cung cấp thêm bản Công bố hợp quy, các hoá đơn khác để đối chiếu, chứng minh nguồn gốc số hàng đang bán.
Theo ông Dương Ngọc Viện tại buổi kiểm tra, nếu chưa công bố hợp quy thì các sản phẩm chưa đủ điều kiện đăng bán, mã giấy chứng nhận hợp quy và mã công bố hợp quy khác nhau. Mỗi danh mục sản phẩm như quần áo trẻ em, quần áo người lớn, thậm chí màu sắc khác nhau đều có tiêu chuẩn khác nhau, khi đưa ra bán phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo công bố.
Chiều nay, Đội quản lý thị trường tiếp tục làm việc, đối chiếu sản phẩm với giấy tờ, hoá đơn... Nếu hàng hoá không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sẽ bị thu giữ.
Đồng thời, ông Viện chỉ đạo chọn 3 mẫu ngẫu nhiên bày bán tại cửa hàng mang đi giám định chất lượng.
Trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng GĐ xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hoá đơn và cho biết: "Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác SEVEN.am. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ "đây là hàng Trung Quốc", ông Hải Anh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận