Trung tướng Hoàng Phước Thuận |
Báo Giao thông trao đổi với Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng để làm rõ hơn những băn khoăn xung quanh một số quy định trong luật này.
Vi phạm trên mạng phải bị xử lý
Những quy định về việc quản lý dữ liệu người dùng cũng khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của công dân, thưa ông?
"Không có một luật nào hoàn hảo cả. Có người hỏi tôi luật này ra đời có ngăn chặn được các hành vi vi phạm trên không gian mạng không? Tôi trả lời luật hình sự ban hành ra, giết người, hiếp dâm, cướp của vẫn còn, nhưng cần đưa ra các phạm vi điều chỉnh để chúng ta biết cái nào được bảo hộ, biết hành vi nào bị cấm để tránh." Trung tướng |
Luật này không ảnh hưởng gì đến quyền tự do ngôn luận. Chúng ta vẫn có thể thoải mái sử dụng mạng để hoạt động nếu không vi phạm pháp luật. Tôi khẳng định không có gì cản trở ngôn luận nếu chúng ta trình bày đúng quan điểm và không vi phạm những điều luật pháp đã quy định. Ai bị xúc phạm nhân phẩm, ai bị bịa đặt thông tin mà hành vi đó quy chiếu theo 29 điều của Bộ luật Hình sự (những điều luật trực tiếp và điều luật có liên quan) và kể cả Luật Dân sự thì họ phải bị xử lý.
Thực tế, Bộ luật Hình sự quy định 29 nội dung bị cấm thì quy chiếu theo đó, các hành vi này trên mạng cũng sẽ bị cấm. Không thể có chuyện đe doạ giết người ở ngoài đời bị xử lý, còn đe doạ giết người trên mạng lại được tự do. Không thể mua bán vũ khí, hướng dẫn sử dụng vật liệu nổ ở ngoài đời bị xử lý, còn trên mạng thoải mái được. Và không thể nào kích động biểu tình, mang bom xăng và gậy gộc ở ngoài đời bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn trên mạng không bị xem xét, xử lý.
Chúng ta được nói, được phản biện các vấn đề, miễn là không vi phạm pháp luật hình sự đã được quy chiếu.
Nhiều người cũng đang lo ngại khi cho rằng lực lượng an ninh mạng có quyền yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của mọi người dùng Việt Nam, ông có thể lý giải rõ hơn?
Không đúng. Luật An ninh mạng quy định rõ, chỉ yêu cầu “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật”. Tức là bạn không làm gì sai, không ai có quyền lấy thông tin của bạn. Luật An ninh mạng cũng không kiểm soát thông tin cá nhân của công dân.
Vậy Luật An ninh mạng kiểm soát tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân thế nào, thưa ông?
Hiện nay, chính các doanh nghiệp đang lưu trữ thông tin của cá nhân rất nhiều và những thông tin cá nhân cũng đang bị lộ lọt rất nhiều. Vì thế mới có chuyện, chúng ta vừa mới đến sân bay đã có tin nhắn mời đi taxi, chúng ta đang họp cũng nhận được thông tin mua bán đất ở chỗ này, chỗ kia. Việc lộ lọt này là do sự quản lý không tốt của các doanh nghiệp.
Các ĐBQH nhấn nút biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng |
Luôn lắng nghe, cầu thị
Luật An ninh mạng quy định các DN viễn thông nước ngoài phải có văn phòng đại diện tại Việt Nam và lưu trữ thông tin người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Phản ứng của các Tập đoàn viễn thông lớn như Facebook, Google về việc này thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đã tiếp cận cả với những người có trách nhiệm của Facebook, Google và với Hiệp hội Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, đã giải thích và lắng nghe rất cầu thị. Khi trao đổi với đại diện của các tập đoàn đó, tôi chưa thấy họ có ý kiến gì khác. Họ chỉ hỏi có ảnh hưởng gì không, và khi tôi giải thích họ thấy vấn đề phù hợp, đồng thời cho biết sẽ điều chỉnh chiến lược của họ cho phù hợp. Sẽ không có chuyện họ rời khỏi Việt Nam như nhiều ý kiến lo ngại.
Hay như với Hiệp hội điện toán đám mây châu Á, khi nhận được sự giải thích rõ ràng, họ nhận thấy như vậy là phù hợp chứ không phải như tuyên truyền rằng luật này sẽ ảnh hưởng rất ghê gớm đến hoạt động kinh doanh của họ.
Với quy định của luật này, các DN viễn thông bắt buộc phải cung cấp dữ liệu người dùng cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu. Như vậy có vi phạm đến quyền riêng tư của người dùng?
Điều 17 và Điều 26 trong luật đã quy định rất rõ việc này. Trong đó có nêu rõ trách nhiệm của DN phải bảo mật thông tin người dùng, nếu không sẽ bị xử lý. DN chỉ cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Còn ngoài ra không được cung cấp và coi đó là bí mật. Bí mật đó nếu làm lộ thì DN chịu trách nhiệm.
Luật này cũng quy định xử lý hành vi nói xấu trên không gian mạng. Vậy thông tin nói xấu, sai sự thật đến mức nào thì bị xử lý?
Bộ luật Hình sự điều chỉnh các hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân theo Tội làm nhục, Tội vu khống. Bộ luật Dân sự quy định về mức bồi thường thiệt hại đối với các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác theo mức độ thiệt hại. Tùy theo mức độ vi phạm và chứng cứ thu thập được theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng sẽ đề xuất xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc Bộ luật Dân sự.
Việc chuẩn bị Nghị định hướng dẫn thi hành luật này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đã bắt tay vào chuẩn bị 25 nghị định và thông tư. Đây là quá trình rất khẩn trương, đương nhiên có ưu tiên nghị định nào trước, nghị định nào sau, thông tư nào trước, thông tư nào sau. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng.
Chúng tôi luôn luôn lắng nghe để điều chỉnh, cầu thị đưa ra những nội dung phù hợp nhất vào nghị định hướng dẫn.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận