Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì tại cuộc họp chiều nay (9/10) |
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, tổng giá trị xây lắp yêu cầu của dự án là 17.621 tỷ đồng, giá trị xây lắp đã thực hiện được 12.196 tỷ đồng; Tháng 12/2014 sẽ thông xe đoạn từ nút giao QL10 đến nút giao Tỉnh lộ 353 (TP.Hải Phòng). Tháng 7/2015 thông xe đoạn từ nút giao QL39 đến QL10 (Hưng Yên - Hải Dương) và đến cuối năm 2015 sẽ thông xe toàn tuyến.
Theo ông Sanh, để phục vụ thi công dự án, các địa phương phải đền bù, giải tỏa, thu hồi đất cho dự án là 1425,1 ha. Đến nay, đã thu hồi được 1423,3 ha đạt 99,87%. Hiện tại, còn 1,8 ha chưa GPMB xong. "Để khắc phục tồn tại này, Bộ GTVT đã có nhiều buổi làm việc và gửi Công điện đến UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đề nghị quan tâm, giải quyết dứt điểm để nhà thầu triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết", ông Sanh nói.
Về tổng mức đầu tư của dự án, ông Sanh cho biết, vào thời điểm năm 2007 dự án được tư vấn lập với giá trị là 24.566 tỷ đồng. Các gói thầu khởi công đồng bộ từ năm 2011. Đến nay, sau khi được Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lập, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), TCT Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI - nhà đầu tư BOT của dự án) thẩm tra, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định thì tổng mức đầu tư là 45.487 tỷ đồng.
Việc tăng tổng mức đầu tư của dự án do nhiều nguyên nhân: chi phí xây dựng và thiết bị tăng khoảng 13.913 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư...
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Cục QLXD&CLCTGT phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) và các cơ quan liên quan cần gấp rút hoàn chỉnh các nội dung trong báo cáo để Bộ GTVT trình Chính phủ chuẩn bị báo cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13. Trong báo cáo, Bộ trưởng yêu cầu phải làm rõ các căn cứ về chủ trương đầu tư, quy mô, quá trình đầu tư, hiệu quả của dự án,...
"Cần phải chỉ rõ sự cần thiết phải đầu tư xây dựng dự án, nguyên nhân dự án bị chậm tiến độ do đâu? Nếu do công tác GPMB chậm, phải nêu rõ cụ thể các địa phương, còn lỗi do nhà thầu, phải chỉ đích danh những nhà thầu yếu kém đã bị thay thế. Bên cạnh đó, báo cáo phải nêu quá trình nhà đầu tư thực hiện quản lý dự án, rồi công tác quản lý chất lượng ra sao? Tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát là những đơn vị nào,..." Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý với các cơ quan chuẩn bị báo cáo phải làm rõ từng chi tiết về những nguyên nhân dẫn tới tổng mức đầu tư của dự án tăng. "Đây là báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội, cần rõ ràng, mạch lạc để các Đại biểu Quốc hội hiểu và nắm rõ tất cả các nội dung liên quan đến dự án", Bộ trưởng yêu cầu.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) là nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Dự án được thiết kế là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, chiều dài 105,5km, bề rộng 6 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp.
Điểm đầu của dự án bắt đầu từ đường Vành đai 3 Hà Nội, điểm cuối tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Dự án đi qua 4 tỉnh, thành phố. Trong đó qua Hà Nội 6km, Hưng Yên 26,5km, Hải Dương 40km, Hải Phòng 33km.
Đình Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận