Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội thị sát hiện trường các dự án cao tốc Bắc - Nam |
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Ngày 22/11/2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, gồm các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên Huế) và Nha Trang (Khánh Hòa) – Dầu Giây (Đồng Nai) có tổng chiều dài 654 km với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng (vốn nhà nước 55.000 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 63.716 tỷ đồng).
Đây là dự án giao thông lớn có vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương và cả nước nói chung. Đặc biệt, việc hoàn thành đoạn Cao Bồ - Bãi Vọt sẽ góp phần nhanh chóng đẩy nhanh việc hoàn thành tuyến cao tốc quốc tế Hà Nội – Viêng Chăn (nước bạn Lào) nhằm tạo điểm nhấn thặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào anh em.
Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc rộng 32,25m, với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h. Trong đó, giai đoạn 1, đường rộng 17m, 4 làn xe, tốc độ 80 km/h. Là dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp và đi qua nhiều tỉnh, thành có đông dân cư. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục triển khai yêu cầu chặt chẽ, đúng quy định. Theo tính toán của Bộ GTVT, để các đoạn này cơ bản hoàn thành vào năm 2021 theo Nghị quyết số 52 của Quốc hội thì phải khởi công thi công dự án vào cuối năm 2019. Như vậy, thời gian chỉ có gần hai năm dành cho công tác chuẩn bị đầu tư một dự án có số vốn rất lớn, khá phức tạp này là vô cùng gấp gáp và không hề đơn giản. Nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo trước khi khởi công thì việc công trình triển khai sẽ chậm tiến độ là điều khó tránh khỏi.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: “Trong lúc nguồn lực nhà nước chưa thật dồi dào nhưng vẫn dành nguồn vốn không nhỏ cho đầu tư hệ thống cao tốc, nếu chúng ta làm không đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, sử dụng nguồn vốn không hiệu quả là có lỗi với nhân dân với Đảng và Nhà nước”.
Với quyết tâm rất cao, Bộ GTVT có chủ trương chỉ đạo, ngay từ đầu năm 2018, khi đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) thì các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời, tái định cư (TĐC) cũng đòi hỏi các địa phương cần phải triển khai ngay và luôn. Đây là công việc rất quan trọng vàvô cùng khó khăn, đòi hỏi nỗ lực đặc biệt từ phía các địa phương có tuyến đường đi qua.
Phối hợp chặt chẽ với địa phương
Trước đây, vì lý do chủ quan, khách quan, một số công trình giao thông sau khi hoàn thành đã gây bức xúc cho người dân và chính quyền địa phương. Chẳng hạn, sau khi hoàn thành, tuyến đường trở thành “đê”, ngăn dòng chảy thoát lũ; người dân qua lại sản xuất, làm ăn khó khăn; giá đề bù của cùng một dự án giữa hai tỉnh có sự khác biệt, gây thắc mắc, khiếu kiện kéo dài; hay việc tái lấn chiếm lộ giới gây khó khăn cho công tác mở rộng dự án,…
Rút kinh nghiệm từ những vấn đề trên cũng như lường trước sức ép tiến độ, chất lượng công trình cao tốc, nên sau đi kiểm tra thực tế đoạn Nghi Sơn – Bãi Vọt, làm việc với lãnh đạo ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đề nghị, các tỉnh phải sớm thành lập Ban chỉ đạo đường cao tốc. Trong đó Trưởng ban chỉ đạo là Chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND tỉnh; các phó ban là giám đốc các sở và chủ tịch UBND các huyện, thị, thành cùng trách nhiệm liên quan.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, hàng tháng, lãnh đạo Bộ GTVT, Ban quản lý dự án (QLDA) và Ban chỉ đạo dự án đường cao tốc các địa phương sẽ tiến hành giao ban định kỳ hay đột xuất để xử lý các vướng mắc kịp thời. Ngay trong giai đoạn hoàn thành F/S, ngoài việc thống nhất hướng, tuyến, các địa phương cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các Ban QLDA và các đơn vị tư vấn trong việc lập khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, TĐC thống nhất giữa các tỉnh có dự án đi qua (dự án đi qua hai tỉnh, thành) một cách công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật để trình Thủ tướng phê duyệt. Sở Tài nguyên & Môi trường các tỉnh hỗ trợ đơn vị tư vấn trong công tác hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng yêu cầu, Ban QLDA, đơn vị tư vấn phối hợp với các sở, ngành và huyện, xã trong việc xem xét kỹ lưỡng, thỏa thuận hệ thống đường gom dân sinh, cống chui; công trình thoát lũ; khẩu độ công trình vượt sông, đê điều; các nút giao liên thông, trực thông với đường cao tốc Bắc – Nam,… và các giải pháp thiết kế đảm bảo việc xây dựng đường cao tốc đúng yêu cầu kinh tế, kỹ thuật của dự án nhưng hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng ảnh hưởng như từng đã xảy ra ở một số dự án khác; tránh phải điều chỉnh nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.
Ngoài ra, các đơn vị tư vấn, Ban QLDA phối hợp với các tỉnh tiến hành khảo sát, rà soát các mỏ vật liệu, các bãi đổ thải để làm cơ sở tính toán chính xác tổng mức đầu tư cũng như chủ động trong việc cung cấp đủ vật liệu cho dự án; hạn chế tối đa việc bị động về vật liệu gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đội chi phí đầu tư xây dựng.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và xây dựng các khu TĐC. Đây là vấn đề mấu chốt, nếu không triển khai kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án . Sau khi thiết kế được phê duyệt, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành và địa phương liên quan trong công tác cắm mốc GPMB; tiến hành công tác kiểm kê, phương án bồi thường GPMB và TĐC.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng đề nghị các đơn vị lưu ý rà soát kỹ lưỡng nhu cầu các hộ TĐC để xây dựng phương án, quy mô khu TĐC, tránh lãng phí, như việc xây dựng xong không có người vào ở hoặc không đủ so với quy mô xây dựng; khuyến khích các hộ dân tái định cư tại chỗ cùng với các cơ chế hỗ trợ cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB. Để đảm bảo thành công, các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị và trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức công tác tuyên truyền vận động đến từng thôn xóm, đến từng người dân về chủ trương xây dựng đường cao tốc.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cam kết: “Đây là tuyến đường có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội cho Nghệ An cũng như khu vực nên Nghệ An sẽ làm hết sức mình để bàn giao mặt bằng sớm nhất cho nhà thầu thi công cũng như các vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư khác”.
Do tuyến cao tốc được thiết kế tránh từ xa các khu đông dân cư nên khối lượng TĐC có thể không nhiều. Đơn cử như đoạn cao tốc từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Diễn Châu (Nghệ An) dài khoảng 50 km chỉ phải GPMB khoảng 350 nhà dân cùng 300 nhà khác bị ảnh hưởng (do phải tính thêm 50m mỗi bên ngoài phạm vi GPMB). Do đó các địa phương cần tổ chức đồng thời công tác bồi thường, GPMB và xây dựng các khu TĐC.
Hy vọng, với cách làm mới của Bộ GTVT, công tác chuẩn bị đầu tư đảm bảo kỹ lưỡng và chu đáo, dự án cao tốc này sẽ đảm bảo tiến độ theo kế hoạch cũng như yêu cầu chất lượng. Tuyến đường huyết mạch này sớm đi vào hoạt động, góp phần giảm tải cho QL1A và đáp ứng như cầu vận tải ngày càng tăng trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các đại phương và cả vùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận