Ngày 31/12/2020, sau hai tháng vận chuyển và lắp đặt, khiên đào - bộ phận cuối cùng của máy đào hầm được chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine) được nhà thầu cẩu hạ xuống tầng đáy ga ngầm Kim Mã.
Máy được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (CHLB Đức) và được đặt tên là “Thần tốc”. Tên gọi này được Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội lựa chọn từ cuộc thi đặt tên cho máy đào hầm TBM.
“Thần tốc” là máy đào hầm metro đầu tiên của Thủ đô có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn.
Máy đào hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở.
Trong quá trình đào, áp lực đất trong khoang cân bằng của máy TBM được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong khoang.
Đơn vị vận chuyển, lắp đặt phải dùng cần cẩu nặng 500 tấn để đưa khiên đào, các bộ phận cấu thành của robot đào xuống tầng hầm đáy.
Khiên đào với họa tiết cờ đỏ sao vàng nổi bật, có đường kính 6,55m, nặng 63,3 tấn, gồm các bộ phận chính như đầu cắt, lưỡi cào, dụng cụ xới và các răng gàu xúc… được thiết kế phù hợp tối ưu với địa chất của Hà Nội.
Việc cẩu hạ được tiến hành cẩn thận, các bộ phận cẩu, hỗ trợ và cảnh giới phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng.
Dự kiến trong hôm nay (31/12), khiên đào sẽ được lắp đặt vào máy. Sau khi nghỉ Tết Dương lịch, máy sẽ được chạy thử và căn chỉnh. Việc căn chỉnh do các kỹ sư của hãng chế tạo Herrenkecht thực hiện. Thời gian chạy thử để căn chỉnh máy cần khoảng 1,5 tháng.
Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10m đường hầm. Khi khoan đến đâu vỏ hầm sẽ lắp ghép đến đấy
Để theo dõi rung chấn, các tòa nhà khu vực xung quanh công trình được gắn cảm biến tự động. Máy khoan đào ở độ sâu 18m so với mặt đất. Công nghệ khoan đào là cân bằng áp lực nên đất tại khu vực đào không bị trồi lên hay trụt xuống
Dự kiến mỗi ngày máy đào sẽ hoạt động 2,5 ca làm việc. Mỗi ca có khoảng 40 kỹ sư vận hành máy. Phần đường hầm của đường sắt Nhổn - ga Hà Nội dài 4km, từ Kim Mã đến phố Trần Hưng Đạo (đoạn trước cửa ga Hà Nội). Dự án sử dụng hai cỗ máy đào TMB để thực hiện khoan đào song song hai đường hầm.
Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, máy đào thứ hai được đặt tên là “Táo bạo”. Máy đào thứ hai hiện đang được vận chuyển về Việt Nam, dự kiến cập cảng biển trong tuần sau. Sau khi lắp ráp xong, các máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12 - Ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo. Mục tiêu tiến độ là cuối năm 2022 đoạn đường hầm đường sắt này hoàn thành thi công và đưa vào khai thác, vận hành. Còn đoạn trên cao dài 8,5km sẽ đưa vào khai thác, vận hành cuối năm 2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận