Kính cận tôi dạo này tự dưng thành người quan trọng. Cả ngày túi bụi nghe điện thoại, hết chỉ chỗ thi lấy chứng chỉ tin học lại mách nơi cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Khổ nỗi, đang đến kỳ xét tuyển công chức, viên chức nên việc gấp rút lấy được chứng chỉ không dễ tý nào, nhiều cơ sở đào tạo quá tải. Bà con bạn bè trong khu phố, rồi họ hàng ở quê biết tôi làm trong lĩnh vực đào tạo nên tới tấp nhờ vả.
Có cô em họ ở quê dạy chuyên Văn trường huyện, đang yên đang lành thì điện thoại khóc mếu nhờ kiếm hộ cái chứng chỉ tin học để được xếp bậc lương cao hơn. Cậu em con ông chú tốt nghiệp đại học vừa xin được một chân công tác ở Viện nghiên cứu bỗng dưng cần một chứng chỉ ngoại ngữ để đủ điều kiện thành viên chức Nhà nước. Rồi cháu A, em B con ông bác, người nhà sếp cũ mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng đều chung mong muốn “chạy” cái chứng chỉ nộp vào cơ quan cho đủ điều kiện tăng lương, thi tuyển công chức.
Lạ cái, chả ai muốn học thật (vì thực tế có dùng đến mấy đâu) mà chỉ cần có cái bằng nộp cơ quan cho xong. Ai cũng chấp nhận mất vài triệu cho “qua cái đận” này mà không hề lo sợ chuyện “bằng có mà trình độ thì không”.
Người người bằng mọi giá kiếm “chứng chỉ”, tiền đổ ra không phải là ít mà trình độ viên chức, công chức không ai đo đếm được có tăng lên chút nào hay không. Chưa nói đến sự lãng phí, khi một nhân sự phải hai lần đào tạo. Ai tốt nghiệp đại học cũng đương nhiên phải đủ điểm qua môn ngoại ngữ nhưng rồi vẫn phải có thêm một chứng chỉ ngoại ngữ nữa mới đủ tiêu chuẩn viên chức, công chức.
Vẫn biết, tin học và ngoại ngữ là điều kiện vô cùng cần thiết để phục vụ công việc, việc chuẩn hóa kiến thức là cần thiết nhưng tình trạng ào ạt kiếm bằng được cái chứng chỉ để hoàn thiện thủ tục thì xét cho cùng, chủ trương của Chính phủ không đạt được, lãng phí xã hội vô cùng lớn.
Là người làm khu vực ngoài nhà nước, Kính cận tôi cứ thắc mắc tại sao người ta chịu mất tiền, mất thời gian, “sưu tập” bằng cấp, chứng chỉ đầy mình mà lương vẫn không đủ sống. Lương viên chức, công chức không nuôi nổi con.
Để xã hội thay đổi, cần lắm sự thay đổi vĩ mô trong cung cách quản trị nguồn lực lao động và tiền lương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận