Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của các ĐBQH tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban TVQH |
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban TVQH ngày 16/8, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Nghệ An) nhắc lại việc năm ngoái ông có gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng. Tuy nhiên, sau 5 tháng nhận được văn bản trả lời mà ĐB này vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến chung cư “bọc kín” các tuyến đường là do buông lỏng quản lý hay lợi ích nhóm?
Cấp phép la liệt các khu đô thị mật độ lớn
Tại phiên họp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội đánh giá, ùn tắc giao thông hiện gây thiệt hại 3% GDP/năm. Nguyên nhân chủ yếu do việc cấp phép la liệt các khu đô thị với mật độ lớn ở cửa ngõ các đô thị lớn. ĐB Lưu Bình Nhưỡng muốn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ này của bộ.
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Hà cho biết, nếu các khu đô thị được thực hiện đúng với các quy định về quản lý phát triển, tuân thủ quy hoạch, thiết kế đô thị và giấy phép xây dựng thì sẽ đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, đồng bộ với dân số, hạ tầng của khu vực, như vậy sẽ không có hiện tượng quá tải dân số dẫn tới hệ lụy là ùn tắc như vừa qua. Tuy nhiên, trách nhiệm là thuộc các địa phương, việc khắc phục cần làm cả ở địa phương, cơ quan thẩm định, cơ quan tư vấn, chủ đầu tư…
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Nghệ An) nhắc lại năm ngoái, ông có gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng và nhận được văn bản trả lời sau 5 tháng, nhưng vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân khiến chung cư “bọc kín” các tuyến đường là do buông lỏng quản lý hay lợi ích nhóm? Ông Hồng cũng đưa ra dẫn chứng là khu đô thị Linh Đàm - khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội giờ đây đã trở nên rất nhếch nhác.
Được yêu cầu tham gia báo cáo thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận việc có chủ đầu tư vi phạm về mật độ và chiều cao công trình khiến hạ tầng của Hà Nội bị quá tải, đô thị nhếch nhác, ùn tắc, điển hình sai phạm là khu đô thị Đại Thanh của Xí nghiệp Xây dựng số 1 Điện Biên. Ông Chung cũng thẳng thắn thừa nhận: “Trách nhiệm trước tiên trong việc này thuộc về TP Hà Nội, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thiếu giám sát, thiếu kiểm tra, đặc biệt liên quan đến thanh tra chuyên ngành. Thứ hai là ý thức chủ quan thuộc về chủ đầu tư, đã cố tình vi phạm”. Liên quan đến việc xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, ông Chung thẳng thắn nhận trách nhiệm và hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ xử lý.
Quỹ đất cho giao thông hạn chế
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, hiện TP có 7,6 triệu xe máy và 700.000 ô tô, mỗi năm có 30.000 phương tiện đăng ký mới, trong khi diện tích đường thì không tăng. Theo ông Phong, chính việc ùn tắc giao thông đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của thành phố. Vì thế, chỉ có thể giải quyết ùn tắc bằng phát triển mạnh giao thông công cộng, nhưng cái khó lại là nguồn lực. “Hiện TPHCM đang phát triển 8 tuyến metro, vốn chủ yếu là ODA và PPP vì vốn ngân sách không đủ khả năng, nhưng riêng tuyến metro số 1 dùng vốn vay ODA của Nhật Bản cũng đang tắc”, ông Phong thông tin.
Thông tin thêm về tình trạng ùn tắc giao thông liên quan đến quy hoạch, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đặt vấn đề: “Chúng ta có quy hoạch đầy đủ về hạ tầng giao thông lồng ghép trong quy hoạch xây dựng, nhưng tại sao ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng?”, Thứ trưởng Đông đặt vấn đề và phân tích, theo các quy định về quy hoạch và kinh nghiệm chung trên thế giới, tỷ lệ đất dành cho giao thông phải phù hợp với các cấp đô thị khác nhau. Đối với Hà Nội và TP.HCM là 2 đô thị đặc biệt, thông thường ở các nước là trên 24-26% quỹ đất dành cho giao thông, gồm cả 3 không gian: Trên cao, mặt đất và dưới ngầm. Nhưng ở ta hầu hết mới đang khai thác được không gian mặt đất, không gian này lại bị hạn chế khi mỗi thành phố chỉ có 7-8% quỹ đất dành cho giao thông. Từ đó sinh ra chuyện ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đông cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác như triển khai hạ tầng quy hoạch chậm, quản lý phát triển không gian đô thị còn bất cập, chưa đồng bộ, tức là đô thị kết nối gắn với hạ tầng chưa làm được. Ví dụ ở TP.HCM, giao thông kết nối với vùng bên ngoài rất khó khăn.
Về giải pháp, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh cần phải huy động nguồn lực, vì nếu không có nguồn lực không thể làm được. Và để trả lời câu hỏi nguồn lực cho phát triển hạ tầng lấy ở đâu, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, có thể khai thác các quỹ đất hành lang, đấu giá đất để lấy tiền làm, khai thác quỹ đất phát triển cùng với các tuyến đường hành lang. “Cùng với các giải pháp như di dời các cơ sở ra ngoại thành, phải đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển không gian ngầm. Bên cạnh đó, đường sắt đô thị là mấu chốt cho giao thông đô thị, nếu không có chúng ta không bao giờ giải quyết được vấn đề ùn tắc”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Công tác quản lý đầu tư bị buông lỏng Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định nguyên nhân của những hạn chế về đầu tư, phát triển quy hoạch đô thị là do nhiều khu vực phát triển nhanh nhưng thực hiện lập quy hoạch còn chậm, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu của phát triển đô thị. Chất lượng quy hoạch còn thấp, phải điều chỉnh nhiều lần, tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều nơi còn tùy tiện dẫn đến ảnh hưởng chất lượng quy hoạch, thậm chí là thất thoát tài nguyên.Đặc biệt, công tác quản lý đầu tư còn bị buông lỏng, thậm chí có nơi vi phạm pháp luật; việc tổ chức đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch còn chậm, thiếu đồng bộ. Thiếu tiền, chậm di dời trụ sở cơ quan ra ngoại thành Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Hồng về việc chậm thực hiện chủ trương chuyển trụ sở các bộ, ngành, bệnh viện, trường học ra ngoại thành, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, nguyên nhân do bố trí đất quy hoạch để di dời không đơn giản, phải dành đủ quỹ đất mới di dời được. Trong khi đó, các bộ, ngành liên quan cũng chưa có quy hoạch, đề án cụ thể, kế hoạch di dời. Đặc biệt, nguồn lực di dời rất thiếu, trừ một số trường hợp rất đặc biệt, còn lại không thể dùng ngân sách đầu tư công để di dời. Theo ông Hà, việc này sẽ áp dụng cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn lực xã hội hóa. Ông cũng thông tin thêm, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ phương án di dời trụ sở các bộ. Qua rà soát, có 13 cơ quan phải di dời ra khu vực Mễ Trì, Tây Hồ Tây. Hiện, mọi phương án đã được tính toán, chỉ còn lại vấn đề nguồn lực. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận