Người dân căng băng rôn kêu cứu ngay tại sảnh tòa nhà |
Hàng trăm hộ dân sinh sống tại tòa nhà M5 Nguyễn Chí Thanh (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, suốt 9 năm qua, chủ đầu tư không tuân thủ, buông lỏng công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cũng không hợp tác để thành lập Ban quản trị cho cư dân. Nhiều gia đình đang phải sống trong thấp thỏm lo âu vì nếu có hỏa hoạn thì không biết điều gì sẽ xảy ra.
Sống trong sợ hãi, bất an
Chung cư M5 Nguyễn Chí Thanh được xây dựng trên diện tích 4.300m2, tọa lạc tại vị trí đắc địa là ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng, khởi công năm 2006 và đưa vào sử dụng năm 2009. Tại tòa nhà này, từ tầng 1-6 được sử dụng làm văn phòng cho thuê, từ tầng 7-31 là căn hộ chung cư, mỗi sàn có 8 căn hộ với 2 loại diện tích là 133m2, 149m2. Thời điểm đưa vào sử dụng, đây được xem là một trong những chung cư cao cấp nhất tại Hà Nội, là niềm mơ ước của rất nhiều người.
Tuy nhiên, điều mà ít ai ngờ tới là suốt 9 năm qua, do không được bảo trì thường xuyên nên tòa nhà đã xuống cấp, đặc biệt là hệ thống PCCC tại đây có nhiều vi phạm nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của các cư dân. Điều đáng nói, đơn vị quản lý chung cư M5 là Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Du lịch Sao Mai, là doanh nghiệp có 100% vốn thuộc sở hữu của Thành ủy Hà Nội.
Theo đại diện lãnh đạo UBND phường Láng Hạ, thời gian qua phường đã phối hợp với UBND quận Đống Đa kiểm tra công tác quản lý vận hành nhà chung cư một cách thường niên. Qua kiểm tra có thể thấy, nhiều năm qua, công tác PCCC không được đảm bảo và Công ty Sao Mai vẫn chưa thực hiện thành lập Ban Quản trị. Tuy nhiên, chính quyền phường không đủ thẩm quyền xử lý. “Trước đây, khu chung cư M5 được xếp vào cao cấp nhưng gần 10 năm vẫn chưa được bảo trì nên hiện nay đã rất xuống cấp”, vị cán bộ này cho biết. |
Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, cư dân tòa nhà M5 cho biết, nhiều năm qua, hệ thống báo cháy không hoạt động, hệ thống cửa thoát hiểm thường xuyên bị đóng hoặc hỏng... Anh Nguyễn Việt Anh (chủ căn hộ 1505) bức xúc: “Tôi đã ở hơn 10 năm nhưng hệ thống PCCC tê liệt. Không những thế, thang máy của tòa nhà thường xuyên bị hỏng gây hoảng loạn cho cư dân. Một lần các con tôi đi thang máy bị kẹt, rơi tự do, may mà lần đó không sao. Có lần tôi cùng vợ bị kẹt, khi bấm chuông gọi cứu hộ nhưng 2 tiếng đồng hồ không ai nghe thấy. Đến khi thang rơi đến lưng chừng, vợ chồng tôi không dám chui lên, vì nếu thang sập thì đứt nửa người. Cuối cùng tôi quyết định trèo lên và bảo vợ đưa tay để kéo lên thoát ra, nếu chết cả hai vợ chồng cùng chết”.
Còn bà Bùi Thị Tiến (SN 1953, chủ căn hộ 2208) cũng cay đắng bày tỏ: “Nếu không may xảy ra hoả hoạn hay gặp sự cố, tôi mong nó xảy ra vào ban ngày, lúc đó các cháu đi học, các con thì đi làm, ở nhà có ông bà già, chúng tôi cũng lớn tuổi rồi… Thực sự chúng tôi cảm thấy bất an quá! Trước khi mua căn hộ ở đây, chúng tôi đâu có biết khu chung cư có vị trí “đắc địa” như vậy lại chưa được nghiệm thu công tác PCCC”.
Ngoài ra, cư dân phản ánh, chủ đầu tư còn sử dụng phần diện tích sinh hoạt chung để cho các nhà hàng, công ty tổ chức sự kiện thuê sử dụng làm quán ăn mà không thông qua ý kiến của cư dân. Tại đây, nhiều bình ga công nghiệp cỡ lớn đang hoạt động trong điều kiện hệ thống báo cháy tự động tê liệt. Tòa nhà có 3 cửa thoát hiểm thì chỉ sử dụng được 1 cửa, còn 2 cửa đã bị chặn nhiều năm. Tầng hầm để xe vốn được xem là nơi hết sức nhạy cảm trong công tác PCCC nhưng lại được dùng sai mục đích như làm nhà kho, chứa các vật dễ bắt lửa...
Đáng chú ý, sau gần 10 năm, Ban Quản trị tòa nhà vẫn chưa được thành lập.
Tòa nhà M5 Nguyễn Chí Thanh |
Không khắc phục vi phạm sẽ đình chỉ toàn bộ hoạt động
Mới đây nhất, ngày 10/5 vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng loạt vi phạm về PCCC của đơn vị vận hành tòa nhà này. Kết quả kiểm tra ghi nhận tòa nhà còn tồn tại nhiều vi phạm về PCCC. Đơn vị vận hành tòa nhà chưa tiến hành mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, chưa nghiệm thu tổng thể về PCCC đã đi vào hoạt động; Thay đổi công năng, bố trí mặt bằng các tầng dịch vụ chưa được thẩm duyệt bổ sung về PCCC. Tầng 1-6, ngăn chia mặt bằng sử dụng bằng vách kính và các vật liệu khác không đảm bảo lối thoát nạn và vi phạm bảo vệ của đầu báo cháy, họng chữa cháy trong tòa nhà.
Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho biết, từ năm 2009 đến nay, cơ quan PCCC đã có nhiều văn bản kiến nghị và kiểm tra xử phạt.
“Tòa nhà này chưa được nghiệm thu PCCC vì chủ đầu tư thi công không đúng thiết kế PCCC, không làm đúng kỹ thuật bảo đảm PCCC. Nếu sau 1 tháng nữa chủ đầu tư vẫn không khắc phục các lỗi vi phạm, chúng tôi sẽ đình chỉ hoạt động của toàn bộ tòa nhà”, Đại tá Sơn nói và nhận định, việc đình chỉ tòa nhà sẽ khiến toàn bộ các hoạt động trong tòa nhà phải dừng lại, bao gồm cả khu dân cư lẫn các dịch vụ thuê mặt bằng tại đây. Vậy nên người dân nếu còn ở đây thì cần nâng cao ý thức PCCC, tự trang bị cho mình mặt nạn chống khói, bình chữa cháy, các phương án chữa cháy để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận