Dân văn phòng mệt mỏi vì chứng đau đầu
Tìm đến bệnh viện thăm khám khi thường xuyên xuất hiện tình trạng đau nhức vùng chẩm gáy, chị L.T (43 tuổi, Hà Nội) cho biết, khoảng 3 - 4 tháng xuất hiện một cơn và mỗi cơn kéo dài 1 - 2 ngày.
2 ngày trước khi vào viện tình trạng đau tăng rõ, lan lên vùng chẩm đỉnh hai bên. Đáng lo ngại, chị T còn thấy tê bì và nhức mỏi cánh tay hai bên.
Kết quả chụp MRI cột sống cổ cho thấy hình ảnh thoát vị đĩa đệm rõ ở tầng C3/C4, thoát vị ở tầng C4/C5 (thể trung tâm), phình đĩa đệm C6/C7, thoái hóa đốt sống, đĩa đệm cột sống cổ.
Hình ảnh chụp MRI sọ não phát hiện vài nốt thoái hóa myelin chất trắng hai bán cầu đại não (Fazekas 1), tụ ít dịch xoang sàng trái.
Chị T được chẩn đoán mắc chứng đau thần kinh chẩm kèm theo thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống C3/4 - C4/5. Các bác sĩ tư vấn chị T điều trị nội khoa và hẹn lịch tái khám.
Tìm đến viện khám trong tình trạng tương tự, đau đầu thường xuyên kèm hai cánh tay nhiều khi tê bại, chị P.H (39 tuổi, Hà Nội) cho biết, tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Sau thăm khám, chiếu chụp chị H được chẩn đoán đau thần kinh chẩm do bị thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cột sống.
Điểm chung của các bệnh nhân này đều làm công việc văn phòng trong nhiều năm, ngồi lâu, ít vận động hay thay đổi tư thế.
BSCKI. Hoàng Anh Tuấn, Chuyên khoa Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ cho biết: "Nhân viên văn phòng là đối tượng dễ mắc chứng đau đầu liên quan tới thần kinh chẩm.
Bệnh thường tái phát, không gây ra những tổn thương nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sống. Nguyên nhân phổ biến gây ra đau đầu căng cơ là áp lực, stress do công việc, gia đình...
Việc ngồi cả ngày một tư thế, cúi đầu quá lâu, ít vận động, nghỉ ngơi bất hợp lý, nằm gối quá cao cũng khiến dân văn phòng trở thành "mồi ngon" của bệnh".
Bác sĩ chỉ cách phòng "đau đầu công sở"
Theo BS Tuấn, đau dây thần kinh chẩm là một nguyên nhân phổ biến gây đau đầu. Do các triệu chứng tương tự nên đau thần kinh chẩm đôi khi nhầm lẫn với đau nửa đầu.
Đau thần kinh chẩm có thể là nguyên phát, hoặc thứ phát.
Bệnh có thể xuất hiện thứ phát do liên quan đến một số bệnh lý nền như: Chấn thương các dây thần kinh chẩm lớn, chẩm nhỏ; Bị chèn ép do thay đổi thoái hóa cột sống cổ; Khối u ảnh hưởng đến rễ thần kinh C2 và C3 hay nhiễm trùng.
"Hầu hết bệnh nhân thường đau ở một bên đầu, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cả hai bên đầu. Vị trí đau phía sau của đầu. Có thể nhận diện bệnh qua các dấu hiệu đau liên tục.
Cơn đau thường bắt đầu tại nền hộp sọ và có thể đau lan sang phía sau, hay dọc theo phần bên đầu; Đau nhói, đau thành nhịp, kèm xen kẽ những cơn đau nhói, hoặc cảm giác như bị điện giật ở các điểm phía trên cổ cao, đằng sau đầu, đằng sau tai;
Hoặc lúc đầu cơn đau thưa, đau thành từng cơn, sau đó khoảng cách giữa các cơn ngắn dần, lên đến 2 - 3 cơn/ ngày,hoặc thậm chí là đau liên tục", BS Tuấn chia sẻ thêm về triệu chứng của bệnh.
Để phòng bệnh, BS Tuấn khuyến cáo, dân văn phòng cần chủ động không làm việc trên máy tính liên tục quá 4 tiếng. Tốt hơn hết cứ mỗi tiếng lại giải lao 10 phút để thư giãn đầu óc;
Massage vùng đầu và tập những bài tập nhẹ nhàng để thả lỏng cơ thể như vươn vai, gập và xoay cổ, lưng nhẹ nhàng và từ từ nhiều lần, nên đi lại trong nơi làm việc; Bổ sung nước thường xuyên và đủ ít nhất 2 lít mỗi ngày;
Ngoài ra, dân văn phòng nên tránh sử dụng cà phê, bởi uống nhiều cà phê sẽ kích thích thần kinh gây ra các cơn đau nửa đầu;
Kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, chú ý ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi; Nên tập thể dục thường xuyên và điều độ để cơ thể khỏe mạnh, tâm trạng thoải mái.
"Nếu tình trạng đau đầu tái diễn trong thời gian dài với mức độ nghiêm trọng, bạn cần chủ động thực hiện thăm khám để được điều trị kịp thời", BS Tuấn cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận