Dòng vốn ngoại có trở lại?
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn chịu áp lực bán ròng mạnh và kéo dài từ khối ngoại, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử.
Đánh giá về xu hướng này, ông Chen Chia Ken, Tổng giám đốc Chứng khoán Phú Hưng (PHS), nhận định rằng thị trường hiện đang gặp phải một số vấn đề.
Đầu tiên, thanh khoản và dòng vốn trong nền kinh tế đang là trở ngại lớn. Từ tháng 4/2023 đến nay, khối ngoại đã liên tục bán ròng 19 trong 20 tháng với tổng giá trị khoảng 4,4 tỷ USD. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá tăng cao và chênh lệch lãi suất giữa USD và VND ngày càng lớn. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện cũng thiếu các lựa chọn đầu tư mới hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, một phần do hạn chế về room ngoại và tiến trình thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn vẫn còn dang dở.
Cùng với đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đang có dấu hiệu suy giảm. Dù số lượng tài khoản cá nhân mở mới khá tích cực, nhưng lượng tiền gửi tại các công ty chứng khoán đã giảm liên tiếp hai quý. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng và các kênh đầu tư truyền thống như vàng hay bất động sản sôi động trở lại, việc dòng tiền từ chứng khoán bị phân tán là điều khó tránh.
Cơ cấu nhà đầu tư cũng là một thách thức. Hiện nay, phần lớn giao dịch hàng ngày đến từ nhà đầu tư cá nhân, những người dễ bị tác động bởi thông tin và cảm xúc. Điều này khiến chỉ số VN-Index khó vượt qua ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, do áp lực chốt lời khi thị trường tiến sát vùng này. Trong khi đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức còn thấp, và các loại quỹ đầu tư như quỹ tương hỗ hay ETF chưa phổ biến rộng rãi, dù đã có sự tăng trưởng đáng kể về quy mô.
Tuy nhiên, theo ông Chen Chia Ken, năm 2025 có thể là một bước ngoặt lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Những nỗ lực từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc sửa đổi luật chứng khoán và gỡ bỏ nút thắt giao dịch ký quỹ trước cho nhà đầu tư nước ngoài đang mở ra cơ hội nâng hạng.
Ông Chen kỳ vọng rằng khi lãi suất chính sách tại các quốc gia phát triển giảm nhanh hơn trong năm 2025, dòng vốn ngoại sẽ đổ vào các thị trường mới nổi như Việt Nam. Đồng thời, kế hoạch thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp của SCIC, được kỳ vọng đẩy mạnh trong năm cuối của lộ trình 2021–2025, sẽ tạo ra những động lực lớn thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, nhiều ngành sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn. Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán và công nghệ có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, ngành công nghệ với sự bùng nổ của AI hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển.
Cơ hội lớn đi kèm những thách thức cần vượt qua
Theo Chứng khoán Mirae Asset, thị trường chứng khoán trong năm 2025 sẽ được tác động bởi nhiều yếu tố quan trọng.
Hoạt động sản xuất trong nước đang có dấu hiệu cải thiện rõ rệt so với giai đoạn 2022-2023. Dù vẫn tồn tại những lo ngại về nguy cơ thiếu điện, nhất là khi một số khu công nghiệp đã chịu ảnh hưởng từ tình trạng mất điện đột ngột do nhu cầu tăng cao, nhưng các giải pháp như Luật Điện lực sửa đổi, đẩy mạnh năng lượng tái tạo và kế hoạch phát triển điện hạt nhân được kỳ vọng sẽ đảm bảo nguồn cung điện ổn định cho sản xuất và tiêu dùng.
Mirae Asset đánh giá ngành sản xuất sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong chiến lược "Trung Quốc +1", qua đó giúp Việt Nam duy trì vị thế hấp dẫn dòng vốn FDI.
Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa tuy đã có sự phục hồi trong năm 2024, nhưng tốc độ tăng trưởng trong năm 2025 có thể chậm lại do tâm lý thận trọng của người tiêu dùng. Tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết gần đây cải thiện chủ yếu nhờ tối ưu hóa chi phí và gia tăng biên lợi nhuận, thay vì mở rộng quy mô hay gia tăng đầu tư.
Doanh thu của các doanh nghiệp lớn như MWG cũng chỉ tăng trưởng khiêm tốn, với phần lớn tập trung ở chuỗi Bách Hóa Xanh, trong khi doanh thu từ các sản phẩm không thiết yếu tại Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh duy trì ở mức ổn định. Mirae Asset dự báo chi tiêu tiêu dùng trong năm 2025 sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, bị ảnh hưởng bởi sự phục hồi không đồng đều của thị trường bất động sản và chứng khoán.
Đáng chú ý, vấn đề nợ xấu vẫn là một thách thức lớn. Khoảng cách giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động tiền gửi ngày càng nới rộng, buộc các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động và đẩy mạnh phát hành trái phiếu để duy trì đà tăng trưởng tín dụng và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu (NPL).
Tuy tỷ lệ NPL giảm nhẹ xuống 2,47% vào quý III/2024, mức này vẫn cao hơn đầu năm 42 điểm cơ bản. Khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực vào cuối năm 2024, các ngân hàng có thể phải tập trung vào dự phòng rủi ro tín dụng, phát hành trái phiếu và tái cơ cấu nợ doanh nghiệp để ứng phó với môi trường kinh doanh chưa khởi sắc.
Trong nửa đầu 2025, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự kiến đối mặt với rủi ro lớn, khi thời gian ân hạn cho trái phiếu tái cơ cấu theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP dần hết hiệu lực. Điều này có thể gây áp lực thanh khoản lên hệ thống ngân hàng, đặc biệt khi các ngành bất động sản, xây dựng và năng lượng vẫn gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và tái cấp vốn.
Ngoài ra, Mirae Asset cảnh báo về các rủi ro vĩ mô toàn cầu, bao gồm tác động kéo dài từ xung đột Nga-Ukraine, dòng vốn chảy mạnh vào Mỹ làm giảm đầu tư ở các thị trường khác, và các chính sách thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, sản xuất tại các nền kinh tế lớn như châu Âu và Trung Quốc đình trệ, lạm phát dai dẳng tại Mỹ và châu Âu, và khả năng Nhật Bản tiếp tục nâng lãi suất có thể làm gia tăng rủi ro từ giao dịch “carry trade” đảo chiều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận