Thị trường chứng khoán 23/2 (ảnh minh họa)
Bước vào phiên giao dịch chiều 23/2, sau gần một giờ biến động trong biên độ hẹp, lực cầu bất ngờ gia tăng giúp VN-Index nhanh chóng tiến lên gần 1.185 điểm. Tuy nhiên tại đây, chỉ số một lần nữa lại “đuối sức”, hạ độ cao.
Kết phiên, VN-Index tăng 2,6 điểm (tương đương 0,22%) lên 1.177,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 598,266 triệu đơn vị, giá trị hơn 15.421 tỷ đồng.
Các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa với những cái tên đóng vai trò chính đỡ VN-Index như GVR tăng trần 6,98%, TCB tăng 3,11%, GAS tăng 1,36%, MBB tăng 2,62%, VJC tăng 1,82%, BID tăng 0,57%, VRE tăng 0,73%...
Trong khi, kìm hãm chỉ số phải nhắc đến SAB giảm 2,11%, VCB giảm 0,6%, VHM giảm 0,47%, VPB giảm 1,1%, VNM giảm 0,47%, FPT giảm 1,69%, PLX giảm 0,7%...
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index “thoát hiểm” ngoạn mục ở cuối phiên sau hầu hết thời gian lình xình dưới tham chiếu và đóng cửa tăng 0,81 điểm (tương đương 0,34%) lên 238,78 điểm.
Góp công lớn chỉ số của sàn đảo chiều thành công thuộc về SHB tăng 3,82%, NVB tăng 7,35%, PVS tăng 4,15%, VCS tăng 0,73%, CEO tăng 3,7%, SHS tăng 1,56%...
Ở chiều ngược lại, THD giảm 3,52%, PVI giảm 1,84%, VIF giảm 1,61%, IDC giảm 1,95%...
Còn chỉ số UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (tương đương 0,13%) xuống 76,47 điểm.
Trước đó, chỉ số sàn HOSE mở cửa phiên giao dịch ngày 23/2 với nhịp giảm nhẹ xuống gần ngưỡng 1.170 điểm nhưng nhanh chóng lấy lại được sắc xanh nhạt. Những phút tiếp theo, VN-Index liên tục giằng co quanh tham chiếu khi số mã tăng – giảm trên bảng giá chứng khoán khá cân bằng.
Tạm nghỉ, VN-Index giảm 0,33 điểm (tương đương 0,03%) xuống 1.174,71 điểm.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index chìm trong sắc đỏ cả phiên sáng cùng mức giảm 2,96 điểm (tương đương 1,25%) xuống 235,01 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (tương đương 0,22%) xuống 76,4 điểm.
Bản tin phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường đã đánh mất thành quả trong phiên chiều 22/2 cho thấy nỗ lực vượt qua vùng thử thách chưa thành công.
Với động thái lùi bước cuối phiên cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn đang gây sức ép cho thị trường chung. Do vậy, thị trường sẽ cần thêm thời gian để kiểm định cung - cầu, quá trình rung lắc hoặc điều chỉnh có thể sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo.
Nhà đầu tư được khuyến nghị nên chậm lại và quan sát thị trường, đồng thời tìm kiếm cơ hội tiềm năng để chuẩn bị khi thị trường sôi động trở lại.
Còn theo Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), những rung lắc đã xảy ra thường xuyên hơn nhưng lực cầu vùng giá thấp vẫn đủ để chỉ số kết phiên 22/2 trong sắc xanh.
Trên khía cạnh kỹ thuật, xu hướng trung hạn là tích cực khi đây đang là sóng tăng 5 với mục tiêu theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm và thời gian hoàn thành sóng dự kiến vào đầu tháng 4/2021.
Về xu hướng trong ngắn hạn khó xác định hơn với việc VN-Index có thể tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng 1.170 điểm (đỉnh của đợt hồi phục kỹ thuật trước đó). Tuy nhiên, chỉ số này cũng có thể sẽ có một phiên tăng mạnh để tiếp cận gần hơn với ngưỡng tâm lý 1.200 điểm rồi tích lũy quanh ngưỡng này.
Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới với mục tiêu quanh ngưỡng 1.250 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn đã bắt đáy và chốt lời trước Tết có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.110-1.120 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy quanh đỉnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận