Thị trường chứng khoán 3/3 (ảnh minh họa)
Bước vào phiên chiều 3/3, VN-Index dần thu hẹp được mức giảm nhờ lực đỡ của một số cổ phiếu lớn. Mặc dù vậy, từ khoảng 14h, chỉ số trở lại trạng thái quen thuộc là giằng co và gần như đi ngang quanh tham chiếu.
Kết phiên, VN-Index tăng 0,34 điểm (tương đương 0,03%) lên 1.186,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 631,671 triệu đơn vị, giá trị hơn 15.297 tỷ đồng.Tạo lực cản không nhỏ lên chỉ số phải nhắc đến bộ đôi cổ phiếu họ “Vin” với VIC giảm 1,2%, VHM giảm 1,26%. Ngoài ra còn có VCB giảm 0,91%, SAB giảm 1,4%, GVR giảm 1%, BID giảm 0,57%, VNM giảm 0,38%...
Ở chiều ngược lại, góp công giúp VN-Index giữ được sắc xanh nhạt thuộc về CTG tăng 1,58%, VPB tăng 2,09%, BCM tăng 5,35%, VRE tăng 2,31%, NVL tăng 2,65%, MSB tăng 6,6%...
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tiếp đà “leo dốc” và đóng cửa tăng 6,16 điểm (tương đương 2,48%) lên 254,1 điểm.Dẫn dắt chỉ số của sàn đi lên có sự hiện diện của THD tăng 6,28%, VCS tăng 1,14%, PVI tăng 1,53%, NVB tăng 1,32%, CEO tăng 2,73%, TNG tăng 2,04%...
Đáng chú ý, mã cổ phiếu BAB của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A Bank) trong ngày chào sàn HNX đã “nổi sóng” tăng kịch biên độ 30% lên 20.800 đồng/CP.Còn chỉ số UPCoM-Index tăng 0,64 điểm (tương đương 0,83%) lên 78,1 điểm.
Trước đó, chỉ số sàn HOSE mở cửa phiên giao dịch ngày 3/3 không mấy tích cực khi lùi về sát ngưỡng 1.180 điểm. Những phút tiếp theo, lực cầu nhanh chóng nhập cuộc đã giúp VN-Index có được sắc xanh. Tuy nhiên, áp lực bán một lần nữa chiếm ưu thế về cuối phiên sáng khiến chỉ số phải hạ độ cao và tạm nghỉ giảm 4,5 điểm (tương đương 0,38%) xuống 1.182,11 điểm.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index lại có diễn biến khởi sắc hơn cùng mức tăng 3,64 điểm (tương đương 1,47%) lên 251,58 điểm. Chỉ số UPCoM-Index tăng 0,6 điểm (tương đương 0,78%) lên 78,06 điểm.
Bản tin phân tích của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường tiếp tục gặp khó khăn trước ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm trong phiên 2/3 khi không thể chạm đến mốc này mặc dù chỉ số VN-Index đã vượt qua được ngưỡng 1.196 điểm ngay sau phiên ATO.
Thanh khoản suy giảm trong phiên thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư tại vùng giá hiện tại. Theo đó, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ cần thêm thời gian để tích lũy dưới 1.200 điểm trước khi có thể bứt phá khỏi ngưỡng này trong thời gian tới.
Ngoài ra, xu hướng trung hạn tiếp tục là tích cực do thị trường đang trong sóng tăng 5 với mục tiêu trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021.
Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Nhà đầu tư ngắn hạn có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh quanh ngưỡng 1.130 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy quanh vùng đỉnh.
Còn theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm nhẹ trong phiên 3/3. Tuy nhiên, chỉ số có thể chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh trong phiên trước khi hồi phục về cuối phiên.
BVSC cũng đánh giá, vùng đỉnh quanh 1.200 điểm là vùng cản có lực cung tiềm ẩn khá lớn và thị trường có thể sẽ cần thêm thời gian tích lũy ở bên dưới vùng cản này để thêm xung lực trước khi được kỳ vọng sẽ chinh phục thành công.
Chiến lược đầu tư được đưa ra là duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50-70% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung - dài hạn.
Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục.
Hoạt động giải ngân có thể tập trung ở nhóm các cổ phiếu nguyên vật liệu, dầu khí, thép, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận