Thị trường chứng khoán 8/4 (Ảnh minh họa)
Bước vào phiên chiều 8/4, VN-Index không còn những biến động mạnh như ở phiên sáng. Thay vào đó, chỉ số lại lình xình trong biên độ hẹp bên dưới ngưỡng 1.235 điểm cho đến khi đóng cửa.
Kết phiên, VN-Index giảm 7,49 điểm (tương đương 0,6%) xuống 1.234,89 điểm. Tổng KLGD đạt hơn 664,507 triệu đơn vị, giá trị hơn 14.522 tỷ đồng.
Những cái tên tác động tiêu cực nhất tới chỉ số thuộc về nhóm cổ phiếu họ “Vin” và ngân hàng với VIC giảm 1,8%, VHM giảm 0,8%, VCB giảm 1,86%, BID giảm 1,65%, VIB giảm 3,94%, MBB giảm 1,89%, CTG giảm 0,93%...
Ở chiều ngược lại, GVR tăng 1,43%, NVL tăng 0,79%, VPB tăng 0,43%, HDB tăng 1,08%, BCM tăng 0,7%... Mặc dù vậy, sắc xanh này là không đủ để giúp VN-Index bật lên.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index có diễn biến khởi sắc hơn khi được kéo tăng 0,91 điểm (tương đương 0,31%) lên 293,75 điểm.
Đóng vai trò hỗ trợ chính chỉ số của dàn có sự hiện diện của SHB tăng 0,8%, NVB tăng 3,49%, VND tăng 4,41%, SHS tăng 1,28%, DTK tăng 4,17%, IDC tăng 1,75%...
Còn chỉ số UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (tương đương 0,62%) lên 83,07 điểm.
Trước đó, mở cửa phiên giao dịch ngày 8/4, chỉ số sàn HOSE nhập cuộc với sắc xanh nhưng nhanh chóng “đổ đèo” về dưới ngưỡng 1.235 điểm.
Đến khoảng 10h20, VN-Index có nhịp hồi về gần mốc 1.240 điểm, tuy nhiên áp lực bán lại dâng cao khiến chỉ số một lần nữa thoái lui.
Tạm nghỉ, VN-Index giảm 8,42 điểm (tương đương 0,68%) xuống 1.233,96 điểm.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng xuất hiện rung lắc trong phiên sáng nhưng đã kịp tiến trở lại sát tham chiếu với mức giảm nhẹ 0,12 điểm (tương đương 0,04%) xuống 292,72 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (tương đương 0,01%) xuống 82,55 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/4, chỉ số VN-Index tăng 2,42 điểm (tương đương 0,2%) lên 1.242,38 điểm. Tổng KLGD đạt hơn 727,816 triệu đơn vị, giá trị hơn 16.522 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 1,16 điểm (tương đương 0,4%) lên 292,84 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm nhẹ 0,04 điểm (tương đương 0,05%) xuống 82,56 điểm.
Bản tin phân tích của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường duy trì được đà tăng đến phiên thứ 8 liên tiếp (tính đến hết phiên 7/4), qua đó giúp chỉ số VN-Index thu hẹp khoảng cách đến mục tiêu của sóng tăng 5 quanh 1.250 điểm.
Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngắn hạn đã xuất hiện trong ba phiên gần đây khiến mức tăng bị thu hẹp lại. Mặc dù vậy, thanh khoản khớp lệnh trong các phiên này đều cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn vào thị trường vẫn tốt.
Trên góc độ kỹ thuật, thị trường đang bước vào giai đoạn cuối của sóng 5 với mục tiêu dự kiến quanh ngưỡng 1.250 điểm và thời gian hoàn thành sóng dự kiến trong nửa đầu tháng 4/2021. Đây là thời điểm quan trọng để quan sát thị trường có vượt được ngưỡng 1.250 điểm hay sẽ điều chỉnh.
Còn theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên giao dịch ngày 8/4 và vẫn có thể tiếp tục mở rộng về các mức cao mới.
Điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn tiếp tục gia tăng mạnh và thị trường vẫn đang trong trạng thái biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, đặc biệt dòng tiền lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn sẽ bền vững hơn. Đồng thời, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng mạnh và vẫn trong vùng an toàn.
Nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.
Một dự báo khác của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, VN-Index sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.250-1.265 điểm trong những phiên còn lại của tuần.
Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục theo hướng giằng co với sự phân hóa mạnh theo thông tin kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp cụ thể. Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường đi lên trong giai đoạn này...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận