Thị trường

Chứng khoán liêu xiêu vì tin đồn và nhầm lẫn

19/06/2024, 07:00

Chỉ cần một thông tin đăng tải trên báo chí không chính xác có thể tác động đến toàn bộ thị trường. Có khi thị trường đang tăng với toàn sắc xanh và tím, chỉ một bài báo chứa thông tin nhạy cảm có thể ngập sắc đỏ và giảm sập sàn…

Sự nhầm lẫn tai hại

Đầu tháng 4/2024, báo chí đưa tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, một số tờ báo đã sử dụng hình nhầm ảnh ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI thay cho hình ảnh của bị can.

Chứng khoán liêu xiêu vì tin đồn và nhầm lẫn- Ảnh 1.

Thời gian qua, không ít lần tin đồn khiến các nhà đầu tư chứng khoán lao đao, thị trường thiệt hại. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Lập tức, thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực. Đặc biệt là 2 mã cổ phiếu SSI (Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI) và PAN (Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN), 2 doanh nghiệp mà ông Nguyễn Duy Hưng nắm giữ các chức vụ lãnh đạo cao nhất. 

Cổ phiếu SSI giảm mạnh 3%, "bốc hơi" 1.500 tỷ đồng vốn hóa. Cổ phiếu PAN cũng bị xả gần 4%, về vùng giá 21.150 đồng/cổ phiếu.

Ngay sau đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đã có văn bản gửi cơ quan chức năng, phản ánh sự nhầm lẫn này gây ảnh hưởng đến uy tín của các tập đoàn mà ông Hưng đang là lãnh đạo, gây thiệt hại đến lợi ích của các cổ đông.

May mắn là sau phản hồi, cổ phiếu SSI và PAN đã phục hồi ngay trong phiên. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư đã đặt lệnh bán 2 mã cổ phiếu này ở vùng giá thấp nên chịu nhiều thiệt hại.

Trao đổi với PV, đại diện SSI cho biết, tin tức tài chính đặc biệt nhạy cảm với thị trường chứng khoán. Bởi vậy, trong bối cảnh thị trường và nền kinh tế đang có nhiều biến động, rất cần thông tin chính xác từ các cơ quan ngôn luận chính thống.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, nhấn mạnh: "Thị trường hiện tại vốn rất nhạy cảm, mọi thông tin đến từ các cơ quan báo chí đều có tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư".

Liêu xiêu vì tin đồn

Không chỉ dừng ở câu chuyện nhầm lẫn, báo chí cũng từng bị cuốn theo những phát ngôn không có căn cứ, qua đó giúp nhiều đối tượng lợi dụng để "thổi" giá cổ phiếu và trục lợi cá nhân.

Chứng khoán liêu xiêu vì tin đồn và nhầm lẫn- Ảnh 2.

Tin đồn đã nhiều lần làm thị trường chứng khoán liêu liêu xiêu (ảnh minh họa).

Đơn cử là trường hợp của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Mỗi khi ông phát biểu, thị trường đều dậy sóng với các mã cổ phiếu họ FLC (ROS, FLC, KLF, ART, AMD).

Ông Quyết từng có rất nhiều phát ngôn nhằm củng cố niềm tin của cổ đông và đẩy giá cổ phiếu lên cao như: "FLC muốn mua đội bóng Anh"; "Nhà đầu tư nào chung thủy với cổ phiếu FLC thì sẽ có ngày hái quả"…

Ở chiều ngược lại, cách đây không lâu, Chứng khoán VNDirect đã bị hacker xâm nhập hệ thống và chiếm quyền kiểm soát. Thời điểm đó, rất nhiều tin đồn thất thiệt xuất hiện làm nhà đầu tư hoang mang với nỗi lo mất tài sản.

Tuy nhiên, với vụ việc trên, báo chí chính thống lại là cứu cánh cho doanh nghiệp trong bối cảnh nỗi sợ đang bao trùm giới đầu tư.

Chia sẻ câu chuyện với PV, đại diện VNDirect cho biết: "Những thông tin trên mạng xã hội đã ảnh hưởng đến dư luận và doanh nghiệp. 

Với sự hỗ trợ từ các tờ báo chính thống, VNDirect có thể trấn an nhà đầu tư, cũng như truyền tải được nhanh nhất những thông tin chính xác từ phía công ty".

Để xử lý vấn đề, phía doanh nghiệp cũng thiết lập kênh cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí nhằm cập nhật tiến độ và hỗ trợ nhà đầu tư, qua đó kiểm soát được tình hình.

Góp phần kiến tạo thị trường

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, mối quan hệ giữa các cơ quản lý, doanh nghiệp với báo chí càng chặt chẽ, có tính tương tác cao. 

Với chứng khoán, tính thời sự càng cao, đòi hỏi hỏi sự nhanh nhạy, kịp thời từ các cơ quan truyền thông càng lớn hơn.

Chứng khoán liêu xiêu vì tin đồn và nhầm lẫn- Ảnh 3.

Báo chí là cầu nối giữa các nhà đầu tư và thị trường tài chính (ảnh minh họa).

Ông Dũng cho rằng, báo chí có ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực chứng khoán, là cầu nối thiết yếu giữa các nhà đầu tư và thị trường tài chính. 

Thông tin báo chí về diễn biến thị trường, giá cổ phiếu, biến động chỉ số cho đến các sự kiện kinh tế, chính trị đều có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.

Báo chí còn là nguồn cung cấp các bài phân tích, nhận định chuyên sâu từ các chuyên gia kinh tế và tài chính. 

Điều này giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về tiềm năng, rủi ro của các mã cổ phiếu cũng như xu hướng phát triển của thị trường, giúp họ xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn.

Bên cạnh việc cung cấp thông tin, báo chí còn thực hiện vai trò giám sát và phản ánh những vấn đề tiêu cực như gian lận, thao túng giá cổ phiếu, giúp nâng cao tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Một chuyên gia tài chính cho biết, báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về thị trường. 

Thông qua các bài viết hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, báo chí giúp người dân hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của thị trường, từ đó khuyến khích họ tham gia đầu tư một cách thông minh và có trách nhiệm.

"Báo chí đang góp phần minh bạch, công bằng và phát triển bền vững của thị trường chứng khoán", vị này khẳng định.

Năm 2013, một số phương tiện truyền thông đưa tin Apple đã giảm đơn đặt hàng linh kiện cho iPhone 5 do nhu cầu thấp. Giá cổ phiếu của Apple lập tức giảm mạnh và chỉ dần hồi phục sau khi Apple bác bỏ.

Tháng 10/2018, Bloomberg Businessweek đăng tải báo cáo về các máy chủ của Supermicro đã bị cài chip gián điệp từ Trung Quốc, giá cổ phiếu của Supermicro giảm mạnh. Sau đó, cả Apple và các cơ quan điều tra của Mỹ đều phủ nhận.

Giữa những năm 1990, công ty Bre-X Minerals tuyên bố phát hiện mỏ vàng khổng lồ ở Indonesia, giúp giá cổ phiếu tăng vọt. Tuy nhiên, năm 1997, nhiều tờ báo đã phát hiện đây là bịa đặt. Vụ bê bối khiến các nhà đầu tư thiệt hại hàng tỷ USD.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.