Khép lại phiên giao dịch ngày 10/6, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,57 điểm (tương đương 0,06%) lên 900 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 542,865 triệu đơn vị, giá trị hơn 7.135 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 28,579 triệu đơn vị, giá trị hơn 762,392 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index đóng cửa tăng nhẹ 0,56 điểm (tương đương 0,46%) lên 120,68 điểm. Chỉ số UPCoM-Index cũng tăng nhẹ 0,01 điểm (tương đương 0,02%) lên 57,3 điểm
Hôm nay, chỉ số sàn HOSE giảm khá mạnh ngay trong những phút đầu mở cửa buổi sáng do gặp phải áp lực bán dâng cao. Sau đó, lực cầu bắt đáy gia tăng từ cuối phiên sáng trở đi đã giúp VN-Index dần hồi phục lên sắc xanh và duy trì trạng thái giằng co quanh tham chiếu trong suốt phiên chiều.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp tích cực nhất cho sắc xanh nhạt của VN-Index với những cái tên như CTG tăng 1,86%, MBB tăng 2,76%, STB tăng trần 6,98%, TPB tăng 1,62%, TCB tăng 1,39%, BID tăng 0,35%...
Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ đến từ BVH tăng 0,76%, POW tăng 1,81%, MWG tăng 0,79%, VRE tăng nhẹ 0,18%...
Trong khi, gây áp lực lên chỉ số chung thuộc về VNM giảm 1,6%, VIC giảm 0,62%, GAS giảm 0,51%, SAB giảm 0,39%, GVR giảm 2,93%...
Trên sàn Hà Nội, giúp HNX-Index tăng điểm có sự hiện diện của CEO tăng trần 9,57%, SHB tăng 0,62%, ACB tăng 0,39%, PVI tăng 1,62%... Ở chiều ngược lại, VCS giảm 0,73%, SHS giảm 4,41%, DGC giảm 2,2%...
Đáng chú ý, dòng tiền tiếp tục được đổ mạnh vào nhóm penny trên thị trường với nhiều mã tăng trần như ITA, HQC, HHS, QBS, PHC, VNG, TNT, LGL, SGT…
Theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index sẽ tiếp tục xuất hiện các nhịp điều chỉnh, rung lắc mạnh trong những phiên còn lại của tuần khi mà trạng thái quá mua trên thị trường đang lan tỏa trên diện rộng.
Về tổng thể, đà tăng ngắn hạn của thị trường vẫn đang được duy trì với đích đến nằm tại vùng kháng cự mạnh 920-940 điểm. Tuy nhiên, nếu thị trường phá vỡ vùng hỗ trợ 883-891 điểm, các chỉ số có thể bước vào nhịp điều chỉnh ngắn trước khi quay lại quá trình tăng điểm.
Diễn biến thị trường giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ nhiều khả năng sẽ vẫn có diễn biến sôi động, tuy nhiên áp lực chốt lời có thể sẽ sớm xuất hiện khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã đạt được mức tăng trưởng đột biến chỉ trong một thời gian ngắn.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ khó tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước.
Chiến lược đầu tư được BVSC đưa ra là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 50% cổ phiếu. Nhà đầu tư nên xem xét bán giảm tỷ trọng danh mục nếu vùng 883-891 điểm của chỉ số bị xuyên thủng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận