Khép lại phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/7, chỉ số VN-Index tăng 5,23 điểm (tương đương 0,62%) lên 847,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 203 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.561 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 30,312 triệu đơn vị, giá trị hơn 693,402 tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index lại không thể giữ được sắc xanh cho tới phút cuối và kết phiên giảm nhẹ 0,06 điểm (tương đương 0,05%) xuống 111,55 điểm. Còn chỉ số UPCoM-Index tăng 0,37 điểm 56,26 điểm.
Hôm nay, chỉ số sàn HOSE bật lên trên tham chiếu ngay từ những phút đầu mở cửa nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. Mặc dù vậy, biên độ tăng của chỉ số không quá lớn và chỉ gần như đi ngang trên ngưỡng 845 điểm. Bước sang phiên chiều, diễn biến không có quá nhiều thay đổi, VN-Index duy trì được sắc xanh ổn định khi đóng cửa.
Hỗ trợ tích cực và đóng vai trò lực đẩy chính của VN-Index chính là SAB với mức tăng 4,87% lên 175.000 đồng/CP. Cổ phiếu này bứt phá trong bối cảnh Thủ tướng vừa phê duyệt danh mục thoái vốn Nhà nước năm 2020 và Sabeco sẽ được chuyển giao từ Bộ Công Thương sang Tổng công ty Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước (SCIC) trước ngày 31/8 để thực hiện thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước.
Ngoài ra, góp công giúp VN-Index đi lên còn có sự hiện diện của VHM tăng 1,17%, VNM tăng 0,97%, HDB tăng 5,26%, VCB tăng 0,48%, NVL tăng 1,96%, VRE tăng 1,15%, PLX tăng 0,99%...
Ở chiều ngược lại, kìm hãm chỉ số chung thuộc về GAS giảm 0,28%, VPB giảm 0,7%, BVH giảm 0,85%, HPG giảm 0,36%...
Trên sàn Hà Nội, gây áp lực lớn lên HNX-Index phải nhắc tới SHB giảm 1,54%, ACB giảm 0,43%, VCG giảm 0,36%...
Theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index sẽ gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi tiến vào vùng kháng cự 848-853 điểm trong những phiên đầu tuần tới.
Về tổng thể, rủi ro giảm điểm ngắn hạn của thị trường vẫn đang hiện hữu khi trước mắt là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận dự kiến của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng, qua đó có thể tạo ra ảnh hưởng không tích cực lên diễn biến giá cổ phiếu, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Chiến lược đầu tư được BVSC đưa ra là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu. Chỉ ưu tiên nắm giữ các vị thế trung, dài hạn. Diễn biến thị trường giai đoạn hiện tại và trong thời gian tới dự kiến sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Do đó, việc tập trung lựa chọn cổ phiếu là một chiến lược khá quan trọng và cần thiết trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận