Có thể xử lý hình sự hành vi mê tín dị đoan trên không gian mạng
Sáng 12/11, tham gia chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) nêu tình trạng dịch vụ tâm linh bói toán tử vi trực tuyến có dấu hiệu nở rộ với "lực lượng thầy bói" rất đông đảo, gây ra nhiều hệ luỵ.
Mạng xã hội đang trở thành không gian màu mỡ để kẻ xấu lợi dụng, trục lợi, lừa đảo, cuối cùng người dân tiền mất tật mạng.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng TT&TT cho biết giải pháp căn cơ nhất để xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động mê tín dị đoan trên không gian mạng?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước hết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải vào cuộc xác minh đây có phải mê tín dị đoan hay không.
Nếu đúng và cần xác minh thông tin thì Bộ TT&TT phối hợp sử dụng các công cụ để xác minh danh tính người vi phạm để xử lý.
Một khi có tiêu chí cụ thể về hành vi mê tín dị đoan (kể cả bằng hình ảnh, chữ viết và lời nói) mới có thể phát triển công cụ rà quét.
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ số đã phát triển được phần mềm để khi nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi, xem hành động đó có mê tín dị đoan không và báo sang cơ quan quản lý.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ đang làm việc với các mạng xã hội và khi tiêu chí mê tín dị đoan rõ ràng, bộ sẽ yêu cầu các mạng xã hội phát triển công cụ để tự rà quét và hạ xuống.
"Đây là bước tiến mới vì như trước đây chúng ta phát hiện, yêu cầu họ hạ còn giờ, họ buộc phải tự hạ. Các nhà mạng, mạng xã hội kinh doanh thu lợi lớn thì phải có trách nhiệm làm trong sạch không gian mạng", ông Hùng nói và nhấn mạnh, một khi phát hiện, rõ ràng phải xử lý mạnh tay với đối tượng mê tín, dị đoan, tùy mức độ sẽ xử lý hành chính, hình sự…
Dừng hoạt động nền tảng xuyên biên giới không tuân thủ
Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng TT&TT nêu rõ các giải pháp để giải quyết tình trạng quảng cáo không đúng sự thật trên không gian mạng, liên quan đến các sàn thương mại điện tử và các nền tảng xuyên biên giới.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói không còn cách nào khác là mọi ngành, mọi cấp "quản lý phần của nhà mình trên không gian mạng". Khi phát hiện sai phạm, Bộ TT&TT sẽ xác định danh tính để xử lý.
"Các nền tảng xuyên biên giới, kể cả chưa có đại diện tại Việt Nam, khi làm ăn kinh doanh tại Việt Nam nếu không tuân thủ, chúng ta có đủ năng lực để dừng toàn bộ hoạt động", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Tư lệnh ngành TT&TT cho rằng, các nền tảng xuyên biên giới kinh doanh ở Việt Nam là chủ chợ, phải tự làm sạch chợ của mình. Muốn vậy, các cơ quan cần định nghĩa tường minh quảng cáo nào là vi phạm. Khi đó Bộ TT&TT sẽ yêu cầu họ thiết kế công cụ tự rà quét và tháo gỡ.
Cần tường minh hóa khái niệm "thông tin, hình ảnh nhạy cảm"
Tranh luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, những hình ảnh phản cảm trên Internet không phải mới xuất hiện, mà tồn tại rất lâu. Nhiều giải pháp đề ra, đã xóa được những nội dung bôi xấu, xuyên tạc, nhưng vẫn còn nhiều hình ảnh xấu, nhạy cảm.
Đại biểu Hoà đề nghị Bộ trưởng TT&TT tiếp tục có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, không gian mạng có công cụ giám sát, có quyền lực để ngăn chặn vi phạm pháp luật trên nền tảng xuyên biên giới, nhưng cái khó là "định nghĩa thế nào là nhạy cảm".
Sau khi có định nghĩa thì mới có công cụ rà soát, phát hiện, gỡ bỏ. Ông đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành tường minh hóa khái niệm để rà quét.
Nền tảng mạng xã hội phải rà quét, gỡ bỏ thông tin xấu độc
Về vấn đề tin giả, xấu độc lan tràn trên mạng xã hội cũng được nhiều đại biểu nêu và chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp để ngăn chặn.
Trong đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng TT&TT cho biết, với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ sẽ có phương án như nào để quản lý mạng xã hội?
Hay đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng TT&TT thông tin về những giải pháp để chấn chỉnh người dân đưa tin giật gân, phản cảm, sai sự thật cũng như nhiều nội dung quảng cáo trái thuần phong mỹ tục, vi phạm bản quyền gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Hai đại biểu Nguyễn Duy Thanh và Nguyễn Thị Yến Nhi chất vấn Bộ trưởng TT&TT sáng 12/11.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Duy Thanh, về vấn đề quản lý mạng xã hội chống tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu.
Bàn về một số giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế.
"Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Tư lệnh ngành TT&TT cho rằng, trách nhiệm lớn của các nền tảng mạng xã hội trong việc tự chủ quản lý nội dung, đảm bảo thông tin chính xác và lành mạnh được lan tỏa. Bởi họ có không gian riêng, có thuê bao riêng lên tới hàng trăm triệu đến hàng tỷ người dùng.
"Nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc", Bộ trưởng TT&TT nói.
Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong không gian mới là không gian số trong khoảng 10 năm trở lại đây. Vì vậy, vấn đề truyền thông để mọi người có kĩ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.
Do đó, Bộ đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm chống tin giả quốc gia và các địa phương cũng thành lập các Trung tâm như vậy.
Khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai có thể liên hệ với Trung tâm Tin giả quốc gia và cấp địa phương để phản ánh và đề nghị giúp đỡ.
Gỡ tài khoản mạng xã hội nếu nhiều lần đăng tải thông tin sai phạm
Từ nội dung trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) mong muốn Bộ trưởng nêu rõ hơn để cử tri được biết đâu là giải pháp cốt yếu để giải quyết dứt điểm tình trạng tin xấu, tin độc hại, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo giả trên không gian mạng.
Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua đã làm hết trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác này chưa? Việc sửa đổi Luật Quảng cáo có khắc phục được tình trạng hạn chế nêu trên không?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Bộ đã làm hết sức, từng ngày, từng giờ" và nhấn mạnh nội dung quản lý về quảng cáo đã có nhiều tiến triển.
Trước đây, cơ quan quản lý chuyển những thông tin sai sự thật yêu cầu các mạng gỡ nhưng họ không gỡ hết mà chỉ thực hiện hạn chế. Nếu 10 nội dung thì chỉ gỡ 1-2.
"Còn giờ đây, họ thực hiện nghiêm trên 95%. Đã có lệnh từ Nhà nước là các nền tảng, cả xuyên biên giới phải thực hiện. Nền tảng phải tự rà quét, hạn chế", ông nói.
Hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra trước đây các nền tảng chỉ gỡ nội dung sai phạm và không xóa người thực hiện đăng tải nhưng nay nếu tái phạm nhiều lần, người vi phạm sẽ bị hạ tài khoản.
Về câu hỏi có thể xử lý được triệt để vấn đề tin giả, xấu độc, quảng cáo sai hay không, ông thừa nhận là rất khó vì đây là một vấn đề phức tạp; xã hội luôn thay đổi, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải không ngừng cập nhật, điều chỉnh các quy định pháp luật để thích ứng với tình hình mới.
"Giờ phút này, chúng ta không thể nói 5 năm nữa sẽ có những công nghệ gì, xuất hiện vấn đề gì mới nên cần phải theo kịp sự phát triển. Khi có vấn đề phát sinh, phải nhận dạng sớm vấn đề, đưa ra giải pháp và điều chỉnh thể chế. Nếu cứ 10 năm thay đổi luật một lần khó theo kịp sự phát triển", Bộ trưởng TT&TT nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận