Sau đêm bất ngờ được gặp và được Bác đọc thơ tặng, buổi sáng hàng ngày trước khi rời lán ra công trường giữ cầu, giữ đường, các TNXP lại xếp hàng đọc 4 câu thơ đó để thêm quyết tâm làm việc.
Tượng đài Bác Hồ với TNXP tại Khu di tích lịch sử Nà Tu
Bất ngờ thời khắc được gặp Bác Hồ
Chúng tôi tìm đến xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, hỏi thăm nhà cụ Nguyễn Nho, không ai không biết. Dù năm nay đã ngấp nghé tuổi 90 nhưng người cựu TNXP vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn.
Cụ Nho kể, năm 16 tuổi, khi đang còn đi học, hưởng ứng lời kêu gọi tham gia lực lượng TNXP cứu nước, chàng trai Nguyễn Nho đã gia nhập đơn vị TNXP của Vĩnh Phúc và tập trung tại thôn Trại Chuối, xã Quy Sơn, huyện Lập Thạch.
Ngày 15/7/1950, Liên phân đội TNXP 312 của Nguyễn Nho hầu hết là con em Vĩnh Phúc bắt đầu hành quân lên Thái Nguyên và Bắc Kạn. Điểm dừng chân là cầu Na Cù, thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông với nhiệm vụ được giao bảo vệ đoạn đường Na Cù đi Bạch Thông.
Cầu Na Cù nằm trên QL3 là trọng điểm đánh phá của không quân Pháp khi đó nhằm chặn đứt đường tiếp tế lương thực vũ khí của quân ta. Do cầu bắc qua suối nước siết nên việc bảo vệ rất gian nan. Ban ngày cầu tháo ra để cất giấu, đêm xuống lại lắp lại cho xe qua.
Sau 8 tháng xuất sắc thực hiện giữ cầu giữ đường, chiều ngày 28/3/1951, Liên phân đội TNXP 312 nhận được tin vinh dự được Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Trần Đăng Ninh sẽ đến thăm vào buổi tối. “Anh em trong Liên phân đội mừng lắm, phân công nhau người trực cầu, người đi vào rừng lấy củi về đốt lửa trại và chuẩn bị đón đoàn công tác”, cụ Nho kể.
Tối đến, khi mọi người đốt lửa trại và tập trung để đón khách quý, từ phía xa xuất hiện ánh đèn pin loang loáng ngày một gần. Khi đoàn xuất hiện, điều khiến mọi người bất ngờ đó không phải là Tổng cục trưởng Trần Đăng Ninh mà chính là Bác Hồ.
“Mọi người xôn xao, hàng ngũ xáo động nhưng ai cũng chỉ nói khe khẽ như với người bên cạnh: Bác Hồ, Bác Hồ, Bác Hồ! Khi Bác xuất hiện, Bác mặc đồ giản dị, quàng khăn bởi thời tiết tháng 3 vẫn lạnh, Bác khoát tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống”, cụ Nho xúc động khi nhớ đến thời khắc này.
Cuộc gặp hơn 30 phút và 4 câu thơ bất hủ
Cụ Nguyễn Nho xúc động nhớ về thời khắc lịch sử được gặp Bác Hồ, được Bác đọc tặng 4 câu thơ
Sau hàng chục năm, những hình ảnh xúc động về buổi gặp gỡ đêm hôm đó chưa khi nào phai mờ trong tâm trí cụ Nho. Vậy nên dù đã ở tuổi 89, cụ vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ.
Ngày 19/3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (Bộ Quốc phòng) có chuyến công tác đến vùng biên giới để kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng và thăm các lực lượng TNXP, các đơn vị vận tải, kho hàng dọc tuyến.
Chiều tối ngày 28/3/1951, đoàn công tác của Bác đến Bắc Kạn và ghé thăm đơn vị TNXP đang trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Na Cù - một trong những trọng điểm trên QL3 thường xuyên bị địch phá hoại. Hôm đó tại cánh rừng Nà Tu (thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông) Liên phân đội TNXP 312 đã vinh dự được đón Bác.
Buổi gặp mặt thân mật giữa Bác Hồ với Liên phân đội TNXP 312 và nội dung bốn câu thơ đã được truyền đi khắp mặt trận, trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các cán bộ, chiến sĩ trẻ trên khắp mặt trận đảm bảo giao thông.
“Những câu đầu tiên Bác Hồ nói với chúng tôi là câu hỏi: Các cháu ăn có đủ no không? Có đủ muối ăn không? Quần áo thuốc men có đủ không?... Không ai bảo ai, mọi người đều đồng thanh: Thưa Bác, đủ ạ! Nghe xong, Bác mỉm cười ân cần. Sau đó, mọi người biết là Bác đã nghe Tổng cục trưởng báo cáo một cách tường tận về Liên phân đội TNXP 312 trước khi Bác đến thăm”, cụ Nho nhớ lại.
Giây phút được coi là quý giá nhất trong cuộc gặp Bác dành cho Liên phân đội TNXP 312 theo cụ Nho chính là câu chuyện Bác hỏi các đội viên: “Đào núi có khó không các cháu?”. Lúc này, người thì trả lời “thưa Bác khó ạ”, người thì nói “thưa Bác không khó ạ”. Bác lại hỏi tiếp “Vậy có ai dám đào núi không?”, nói xong Bác chỉ tay vào nữ đội viên Nguyễn Thị Hồi, quê ở Triệu Đề, Lập Thạch. Sau chút lúng túng chị Hồi mạnh dạn: “Thưa Bác! có ạ, hàng ngày chúng cháu vẫn đào núi, mở đường ạ!”.
Nghe xong câu trả lời, Bác cười rồi hỏi tiếp: “Vậy có ai dám lấp biển không?”. Nghe đến đây, mọi người lúng túng, ấp úng thì được Bác gỡ rối: “Có người dám đào núi, thì có người dám lấp biển, ví như cảng Hải Phòng và nhiều cảng khác đều do con người lấp và xây dựng nên”. “Vậy lấp biển có khó không?”, Bác lại hỏi và mọi người lại có người nói khó, người trả lời không khó.
Bác lại cười: “Nói khó cũng không đúng mà là khó mấy con người vẫn làm được, vậy cần phải có cái gì?”, Bác vừa nói vừa đặt câu hỏi. Lúc này, nhiều người mạnh dạn giơ tay xung phong, người trả lời Bác là cần phải có quyết tâm cao, người nói cần phải bền bỉ vượt khó, người nói cần phải xung phong, dũng cảm...
“Sau những câu trả lời của các đội viên TNXP, Bác Hồ cười và động viên: Các cháu trả lời đều đúng, tóm lại là việc dù khó mấy cũng làm được nhưng cần phải quyết tâm cao”, cụ Nho nhớ lại.
Và rồi bên ánh lửa hồng nơi “đại bản doanh” của Liên phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ giữ cầu Na Cù, Bác Hồ đọc 4 câu thơ tặng các đội viên:
“Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
“Bác đọc 2 lần 4 câu thơ rồi Bác bảo tất cả đồng thanh nhắc lại rồi Bác chỉ định đồng chí Việt Thi (người đi cùng đoàn) đọc lại rồi làm quản ca cho toàn thể hát bài Nhạc tuổi xanh. Sau khi mọi người hát xong thì Bác Hồ và đoàn công tác đã rời đi, tất cả diễn ra khoảng hơn 30 phút”, cụ Nho xúc động.
Na Cù, cây cầu nhân chứng lịch sử
Cầu Na Cù mới trên QL3 ngày nay
Cách thành phố Bắc Kạn gần 10km về phía Bắc, chúng tôi đến khu di tích lịch sử Quốc gia Nà Tu, đây chính là lán trại của Liên phân đội TNXP 312 đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng năm 1996.
Nơi đây có Nhà truyền thống giữ các kỷ vật của lực lượng TNXP 312, có Nhà tưởng niệm và cụm tượng Bác Hồ với Liên phân đội TNXP 312.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng - hướng dẫn viên của Khu Di tích lịch sử TNXP Nà Tu dẫn PV đến thăm cầu Na Cù, cách khu di tích 300m về phía Bắc. Tại đây trên QL3 đã có cầu Na Cù mới đi Cao Bằng. Dấu tích của cầu Na Cù trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp nằm cách cây cầu hiện tại khoảng 50m về phía thượng lưu, phía hạ lưu chừng 20m còn sót lại một mố cầu.
Hướng dẫn viên Thanh Hằng cho biết, trải qua quá trình phá hoại của giặc Pháp và ảnh hưởng của thiên tai mưa lũ, cầu nhiều lần bị đánh sập và cuốn trôi. Sau này khi QL3 được sửa chữa và nâng cấp, cây cầu Na Cù cũng được điều chỉnh vị trí và xây dựng lại để phù hợp với tuyến đường.
Ngày 19/3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (Bộ Quốc phòng) có chuyến công tác đến vùng biên giới để kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng và thăm các lực lượng TNXP, các đơn vị vận tải, kho hàng dọc tuyến.
Chiều tối ngày 28/3/1951, đoàn công tác của Bác đến Bắc Kạn và ghé thăm đơn vị TNXP đang trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Na Cù - một trong những trọng điểm trên QL3 thường xuyên bị địch phá hoại. Hôm đó tại cánh rừng Nà Tu (thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông) Liên phân đội TNXP 312 đã vinh dự được đón Bác.
Buổi gặp mặt thân mật giữa Bác Hồ với Liên phân đội TNXP 312 và nội dung bốn câu thơ đã được truyền đi khắp mặt trận, trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các cán bộ, chiến sĩ trẻ trên khắp mặt trận đảm bảo giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận