Xã hội

Chuyện bây giờ mới kể trên chuyến tàu Thống nhất lịch sử

29/04/2015, 18:04

Có người chỉ xin đến sờ vào vỏ tàu, bộ đội nhân dân dọc đường tàu chạy ra đón như trảy hội...

Đoàn tàu khánh thành tuyến đường sắt Thống Nhất xu
Đoàn tàu khánh thành tuyến đường sắt Thống Nhất xuất phát từ TPHCM đến ga Hà Nội, ngày 4-1-1977

Kể từ ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), toàn dân thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, phải 30 năm sau, đến 31/12/1976, đoàn tàu Thống nhất đầu tiên từ Hà Nội mới có thể chạy liền mạch vào TP. Hồ Chí Minh. Một trong những người vinh dự được phục vụ trên chuyến tàu ấy là ông Nguyễn Thành Nhạc-một nhân viên đường sắt trên chuyến tàu Thống Nhất 2 (TN2) cách đây 40 năm.

Một tháng học cách phục vụ 

Nhận được nhiệm vụ phục vụ trên chuyến tàu đầu tiên này, ông Nguyễn Thành Nhạc (sinh năm 1957) khi ấy mới là một chàng trai 19 tuổi vui sướng vô cùng. Đôi mắt xa xăm như chạm tới thời khắc lịch sử xa xưa, ông kể, mình rất may mắn và hãnh diện, sự hồi hộp và xúc động hiện rõ trên từng gương mặt trong tổ nhân viên phục vụ năm ấy. Tôi cũng như anh em trong đoàn đều cảm thấy âu lo bởi trách nhiệm và vinh dự to lớn.

Trong những ngày cuối tháng 12/1976, không khí trên toàn tuyến đường sắt Thống Nhất hết sức khẩn trương, sôi động để chuẩn bị thông xe. Thành tích đó là công sức của hàng vạn công nhân lao động, của quân đội và của nhân dân các địa phương dọc tuyến đường sắt từ Nghệ Tĩnh đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ phận kiểm tra kỹ thuật cầu, đường, nhà ga, điều độ chạy tàu làm việc suốt ngày đêm chuẩn bị cho đoàn tàu đầu tiên khởi hành.

Nhac luc lam Truong tau
Ông Nguyễn Thành Nhạc được bầu làm Trưởng tàu khách năm 30 tuổi

Đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ và Tổng cục trưởng Tổng cục Ðường sắt Hà Ðăng Ấn vào La Khê (Hà Tĩnh) đã họp bàn quyết định ngày xuất phát đoàn tàu Thống Nhất đầu tiên. Cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt nỗ lực hết mình và dành cả tháng cho công tác chuẩn bị toa xe, đầu máy, từ con ốc, cái vít đến các thiết bị, bộ phận quan trọng nhất đều được kiểm tra kỹ càng, cẩn trọng.

Còn đối với bộ phận nhân viên phục vụ trên chuyến tàu TN2 từ Sài Gòn đến Hà Nội thuộc Đoạn công tác trên tàu Sài Gòn (trước khi sáp nhập Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn), chúng tôi được đào tạo một tháng để học từ chuyên môn, nghiệp vụ đến giao tiếp ứng xử, học cách nói năng đi đứng cho phù hợp với phong tục văn hoá ngoài miền Bắc, ông Nhạc kể.

Đoàn tàu bị trật bánh

Để chuyến tàu diễn ra suôn sẻ, trước đó, ngày 21/12/1976, đoàn tàu chạy thử 2 đầu máy và 10 toa xe hỗn hợp (vừa khách vừa hàng) chạy suốt từ Hà Nội vào đến ga Sài Gòn mất 4 ngày và 3 đêm (hơn 80 giờ). Sau 30 năm chiến tranh,  chất lượng nhiều đoạn đường còn kém, dễ xô lệch đường ray. Không chỉ có đoàn tàu chạy tiền trạm, ngày 31/12/1976 tàu Thống Nhất còn được một đoàn tàu hộ tống dẫn đường, ông Nhạc cho hay.

Ông kể, khi đoàn tàu TN2 dừng tới nhà ga nào, nhân dân kéo ra hai bên đường sắt đông nghẹt, vẫy cờ hoa mừng đoàn tàu Thống nhất rước ảnh Bác Hồ từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Thủ đô như đi trẩy hội. Đêm đến thì nghe tiếng bộ đội (hỗ trợ Ngành Đường sắt làm đường) hò reo đốt pháo đón chào khi đoàn tàu đi qua.

Nước nhà mới thống nhất, nhiều đoạn đường ray chỉ mới kịp kê trên tà vẹt gỗ mà chưa kịp chèn đá. Nên khi đoàn tàu đi tới đèo Khe Nét (Quảng Bình) thì bị trật bánh một trục toa xe. Ngay lập tức, đội cứu viện ở trên tàu thuộc Đoạn Toa xe Chí Hoà (nay là Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn) đã khẩn trương khắc phục sửa chữa sau gần 3-4 giờ đồng hồ vất vả giải quyết sự cố.

Cũng tại nơi này, kỷ niệm làm ông nhớ mãi đó là khi đội cứu viện đang gấp rút sửa xong trước khi trời tối thì có một ông cụ người địa phương tiến đến năn nỉ xin được lên tàu để xem. Ông Nhạc bảo, do yêu cầu kỷ luật của chuyến đi nên tất cả đều phải thực hiện nghiêm không cho người lạ lên tàu. Không được lên tàu, ông cụ chỉ xin được…sờ vào tàu. “Bọ thấy toa xe mình đẹp quá. Chú cho Bọ sờ một cái”. Vừa nói ông cụ vừa sờ tay vào vách trên thành toa xe do Nhà máy xe lữa Dĩ An đóng (vách ván ép Foocmica). Trên gương mặt sạm màu thời gian ấy, đôi mắt cụ rưng rưng cảm động!

Bàn tay rướm máu vì giá lạnh

Khi đoàn tàu mới được khắc phục xong, bác Trần Mẫn khi ấy là Tổng Cục phó Tổng Cục ĐSVN người dẫn đoàn tàu Thống Nhất Bắc Nam đầu tiên từ Sài Gòn ra Hà Nội đã đi kiểm tra đột xuất, phát hiện một toa xe vệ sinh chưa đạt yêu cầu, bác đã yêu cầu Trưởng tàu đình chỉ công tác một nhân viên nữ. Ông Nhạc kể, hồi ấy bác Trần Mẫn tuy rất thương và quan tâm tới anh em trong đoàn tàu, nhưng những nội quy của Ngành luôn được đặt lên cao nhất.

Đoàn tàu càng tiến gần ra Hà Nội, mọi người phải chịu cái rét lạnh buốt khoảng 8oC. Dù đã được chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng anh em trong đoàn vẫn không chịu nổi cái giá lạnh thấu xương. Đêm đến anh chị em tổ tàu tuy đã mặc nhiều áo và đắp chăn bông mà vẫn rét lạnh không ngủ được. Ông Nhạc kể.

Sau một chuyến hành trình dài, đoàn tàu đến ga Nam Định khoảng 4 giờ sáng, nhân viên cả tổ tàu đều phải lau chùi thành ngoài toa tàu cho sạch sẽ trước khi đến ga Hà Nội. Trong cái giá lạnh, mỗi người xách từng xô nước nhanh chóng lau chùi bùn đất bám bên ngoài thành tàu. “Nghĩ đến giờ phút được chứng kiến niềm vui sướng của nhân dân đang chờ đón đoàn tàu, anh em cắm cúi lau chùi thật sạch mặc bàn tay nứt nẻ và rớm máu đang sưng tước", ông Nhạc bùi ngùi nhớ lại.  

Giờ đây khi ở cái tuổi đã gần về hưu, nhưng nhớ lại giờ khắc thiêng liêng trên chuyến tàu ấy vào sáng ngày 4/1/1977 khi đoàn tàu khánh thành tuyến Đường sắt Thống Nhất xuất phát từ TP.HCM đến Ga Hà Nội, ông bảo: “Nhiệm vụ của tôi lúc ấy là phải ở trên đoàn tàu nhưng được chứng kiến niềm vui gặp lại của nhân dân hai miền Nam Bắc sau bao năm tháng xa cách, trong tim tôi vẫn dấy nên niềm tự hào, vui sướng đến tột cùng”.

Qua những năm nỗ lực phấn đấu, năm 1977, ông Nhạc được cử đi học Trưởng tàu, năm 1978 được bố trí làm Trưởng tàu khách. Người có vinh dự phục vụ trên chuyến tàu lịch sử năm ấy đã rèn luyện không ngừng, giữ các vị trí lãnh đạo công đoàn đơn vị rồi tham gia Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá IX. Bất kỳ ở cương vị nào, ông Nhạc cũng đều cố gắng trở thành 1 cá nhân  xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành. 


Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ngày 14/11/1975, Chính phủ quyết định khẩn trương khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất nối liền thủ đô Hà Nội với TP.HCM. Sau hơn 1 năm hăng hái lao động, hơn 6 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân dọc tuyến đường sắt đã đào đắp trên 4 triệu m3 đất đá, làm lại 475 chiếc cầu, lắp đặt 660 km đường sắt, xây dựng 150 nhà ga... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.