Giới tính vẫn là vấn đề nhức nhối
LHP Cannes lần thứ 72 năm 2019 diễn ra từ ngày 14 - 25/5 tại Pháp, quy tụ hàng trăm ngôi sao điện ảnh, nghệ sĩ từ nhiều nơi trên thế giới. LHP năm nay có 21 phim tranh giải Cành cọ Vàng (Palme d’Or), 18 phim dự nhánh Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) và 8 phim chiếu nhưng không tranh giải. Trong đó, có 4 tác phẩm của nữ đạo diễn tranh giải Cành cọ Vàng là: Atlantique (Mati Diop), Little Joe (Jessica Hausner), Portrait of a Lady on Fire (Céline Sciamma) và Sibyl (Justine Triet). Ngoài ra, hàng trăm bộ phim được chiếu song song ở các khu vực xung quanh và hội chợ. Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên sẽ chiếu trực tiếp lễ khai mạc tại hơn 600 rạp chiếu phim ở nước Pháp.
Việt Nam có hai tác phẩm được giới thiệu tại LHP Cannes 2019, đó là Trống đợi (đạo diễn Lê Hữu Đăng Khoa) và Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (đạo diễn Phạm Thiên Ân). Trong đó, Trống đợi là phim ngắn thuộc dạng thể nghiệm về đề tài tình cảm xã hội, sẽ được trình chiếu tại “Góc phim ngắn” từ 20 - 25/5. Trong khi đó, phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng được lựa chọn công chiếu tại hạng mục quan trọng “Tuần lễ đạo diễn” - một nhánh của LHP Cannes, nhằm vinh danh dòng phim nghệ thuật không tranh giải chính. Phim sẽ tranh tài cùng 9 phim ngắn đến từ các quốc gia khác để giành chiến thắng.
Dưới tác động của phong trào #MeToo từ năm 2018, Ban tổ chức LHP Cannes đã có nhiều chính sách tiến bộ thể hiện sự cầu thị và cập nhật xu thế. Ông Thierry Frémaux, Giám đốc LHP Cannes cho biết, trong buổi họp báo trước thềm khai mạc, tại LHP Cannes 2019 lần đầu tiên 50% ủy ban tuyển chọn là nữ; 1.845 tác phẩm từ 39 quốc gia và 26% do phụ nữ làm đạo diễn. Trong số 69 tác phẩm được lựa chọn tranh giải các hạng mục chính, gồm cả phim truyện và phim ngắn, có 19 phim do phụ nữ làm đạo diễn, tương đương 27,5%. Riêng hạng mục phim ngắn, con số này tăng lên 32% và 44% ở hạng mục phim của sinh viên. Julie Billy, đồng chủ tịch của tổ chức 50/50 by 2020 khẳng định đây là những con số đáng khích lệ, dù vẫn còn ít ỏi.
Một điểm mới nữa tại LHP Cannes 2019 là việc thành lập dịch vụ bảo mẫu với tên gọi “Le Ballon Rouge”. Cụ thể, trong khuôn viên LHP có khu vực cho con bú và thay đồ cho em bé, một gian hàng dành riêng cho trẻ nhỏ, quy trình cung cấp phù hiệu miễn phí cho bảo mẫu và trẻ nhỏ, lối đi ưu tiên và dễ dàng cho các bậc cha mẹ có con nhỏ và xe đẩy, cả danh sách chứng nhận những người giữ trẻ làm việc ngoài giờ... Đồng thời, đường dây nóng để bảo vệ việc quấy rối tình dục được thiết lập từ năm 2018 vẫn được duy trì.
Có một thực tế rằng, những bộ phim tranh giải tại LHP Cannes 2019 lại không thực sự nóng bằng những câu chuyện hậu trường, bên lề. Ngay trước ngày khai mạc, BTC đã vấp phải nhiều chỉ trích khi quyết định trao giải Cành cọ Vàng danh dự cho nam diễn viên kỳ cựu người Pháp Alain Delon. Bởi, Alain từng khiến công chúng phẫn nộ khi “công khai thừa nhận tát phụ nữ, phân biệt chủng tộc và chống Do Thái, đồng thời coi những người đồng tính là phi tự nhiên”. Đại diện Tổ chức Nữ quyền Pháp Osez le féminisme bức xúc cho rằng, BTC Cannes “đang gửi tín hiệu tiêu cực đến phụ nữ và nạn nhân của bạo lực bằng cách tôn vinh Delon, mặc dù anh ta thừa nhận đã tát phụ nữ”.
Trước chỉ trích của dư luận, ông Thierry Frémaux vẫn tuyên bố vẫn sẽ vinh danh Alain Delon “với 100% sự nhiệt tình của mình”.
Mại dâm và tình dục
Mua bán dâm vẫn là tình trạng nhức nhối đằng sau sự hào nhoáng của LHP Cannes trong suốt nhiều năm qua. Mới đây, tờ Hollywood Reporter gây chấn động khi đăng tải bài báo vạch trần góc khuất đen tối tại LHP Cannes với nhan đề “LHP Cannes: Gái bán dâm đưa dịch vụ làm bạn gái dự sự kiện với mức giá 620 USD/h (khoảng 14,4 triệu đồng)”. Tờ báo này cũng khiến nhiều người giật mình khi viết: “Tại LHP Cannes, ngành kinh doanh lớn thứ hai sau phim ảnh chính là tình dục”. Điều này lý giải cho thực tế ngày càng có nhiều mỹ nhân vô danh xuất hiện trong các bộ đồ lộng lẫy, hở bạo, không ngừng uốn éo trên thảm đỏ Cannes. Dịch vụ buôn bán vé đi thảm đỏ Cannes với những “combo” kèm theo hấp dẫn ăn nên làm gia ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Theo những bảng giá “ngầm” đang được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội Trung Quốc, những nghệ sỹ kém danh muốn được đứng trên thảm đỏ LHP Cannes phải chi tối đa 15 nghìn euro (gần 400 triệu đồng) để sở hữu tấm vé tới Cannes. Cụ thể, mức giá 11 nghìn euro (khoảng 235 triệu đồng) cho một vị trí thường, với vị trí VIP, người mua phải trả 15 nghìn euro. Khoản phí này bao gồm các dịch vụ phụ hỗ trợ khác như: Chụp ảnh, trang điểm và xe đưa đón… Sau khi chọn được loại vé mong muốn, người mua sẽ phải trả trước 60% chi phí, sau đó mới được đăng ký thông tin.
Vì sao nhiều người sẵn sàng chi một khoản lớn như vậy chỉ để được xuất hiện trên thảm đỏ vài phút? Đó chính là vấn đề cốt lõi của nạn mại dâm đang diễn ra nhộn nhịp ở sự kiện điện ảnh lớn nhất tại Pháp này. Thậm chí, nhiều người còn khẳng định, Cannes chính là địa bàn mại dâm công khai lớn hàng đầu thế giới. Nhà phê bình Roger Ebert từng khẳng định: “Gái gọi nhan nhản tại Cannes. Đó là những cô nàng ăn vận lộng lẫy và không hút thuốc. Chẳng thể nào phân biệt được đâu là gái gọi nếu họ không chủ động ra hiệu”.
Elie Nahas, một “tú ông” tại LHP Cannes tiết lộ trên Hollywood Reporter rằng, dưới trướng của y bao gồm người mẫu, hoa hậu và gái bán dâm chuyên nghiệp. Mức giá của họ tối đa có thể lên đến 40 nghìn USD/đêm. Họ thường “làm việc” ở khách sạn 4 - 5 sao, trên du thuyền và trong các biệt thự nguy nga trên những ngọn đồi cao của Cannes.
Để chống lại nạn mua bán dâm tại Cannes, một điều luật đã được nước Pháp ban hành cho phép các cô gái bán hoa chào mời khách nhưng lại xem hành động mua dâm là phạm pháp. Tức là, chính phủ nước này quy trách nhiệm cho những người khách mua dâm. Song, điều luật khó hiểu này cũng không thể hạn chế tình trạng mua bán dâm đang diễn ra vô cùng sôi nổi, vốn là một vấn đề gây đau đầu cho các nhà tổ chức của LHP Cannes.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận