TIN LIÊN QUAN
Thay đổi rõ rệt
Ở đường sắt, bộ phận trực tiếp giao tiếp với hành khách chính là các cửa bán vé, sau đấy là công tác phục vụ trên tàu, dưới ga... Vì thế mà từ trước đến giờ, bộ phận bán vé bao giờ cũng chịu nhiều điều tiếng nhất. Thực tế, nhiều lần ra ga mua vé, tôi cũng gặp phải thái độ của nhân viên bán vé. Bán vé theo kiểu ban phát, ăn nói gắt gỏng với hành khách. Mùa cao điểm, để mua được tấm vé tàu đúng ý là cả một kỳ công.
Công bằng mà nói, ngành Đường sắt rất nghiêm khắc xử lý những nhân viên vi phạm quy định hay có thái độ không tốt với hành khách và bị phản ánh về đơn vị. Nhiều tổ tàu, nhân viên bán vé đã bị đình chỉ công tác, điều chuyển làm việc khác vì vi phạm quy định. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân hàng đầu chính là đường sắt được bao bọc độc quyền trong một thời gian quá dài khiến nhân viên trì trệ, không quan tâm khách hàng. Ai thích đi tàu thì đi, không thì thôi. Chất lượng dịch vụ xuống cấp. Nhiều đoàn tàu chạy rỗng mà người trong ngành cũng chẳng thấy xót xa.
“4 xin” và “4 luôn” được phát động từ một tháng qua, thái độ của nhân viên bán vé đã có thay đổi. Tất nhiên, trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, chưa đánh giá được cụ thể, nhưng theo phản ánh của nhiều hành khách, việc mua vé tàu đã dễ dàng hơn. Đặc biệt là cách giao tiếp của nhân viên bán vé đã thay đổi. Họ đã tư vấn rõ ràng hơn cho hành khách để mua được tấm vé tàu phù hợp nhất.
Anh Lê Thành Trung - một hành khách mua vé tàu tuyến Hà Nội - Quảng Bình cho biết, lần này ra ga mua vé tôi được nhân viên tư vấn cụ thể từ giờ tàu phù hợp với lịch trình của gia đình. Nhân viên bán vé còn tư vấn để tôi mua được vé tàu giảm giá cho người cao tuổi trong đoàn. Đây là thay đổi rõ nhất từ trước đến nay.
Bà Phùng Thị Lý Hà - Phó trưởng ga Hà Nội cho biết, trực tiếp lãnh đạo ga quán triệt đến từng tổ sản xuất về thái độ giao tiếp với hành khách. Bất kể ai vi phạm quy định đều bị xử lý nghiêm.
Ga lẻ cũng quán triệt “4 xin” và “4 luôn”
Ông Châu Nam Trung - Trưởng ga Hòa Duyệt, thôn Liên Hòa, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh cho biết, ga nằm lọt thỏm giữa rừng núi và sông Ngàn Sâu. Dù lượng khách ít, mỗi tháng chỉ đón khoảng 200 hành khách đi tàu nhưng lãnh đạo ga luôn quán triệt thái độ phục vụ của nhân viên phải luôn lịch sự, nhã nhặn. Giờ phong trào “4 xin” và “4 luôn” như một sự khích lệ nhân viên làm việc tốt hơn nữa. Tất cả cửa bán vé đều công khai đường dây nóng, bảng thông báo giờ tàu để hành khách chủ động biết.
Mỗi ngày khoảng 35 - 38 chuyến tàu khách và hàng thông qua ga lẻ này, nhưng chỉ có hai chuyến tàu chợ chạy Vinh - Đồng Hới dừng lại đón, tiễn khách. “Đặc thù của hành khách chuyến tàu chợ thường là dân nghèo, buôn bán nhỏ và trình độ không cao nên nhà ga luôn có những bảng hướng dẫn cụ thể, diễn giải quy định của ngành về mua vé giảm giá và đi tàu an toàn cho hành khách” - ông Trung nói.
Hiện tại, do Thời gian tàu dừng chỉ 3 phút nên nhiều khi hành khách không kịp đưa hàng lên tàu. Vì vậy, đoàn thanh niên ga Hòa Duyệt đã thành lập tổ giúp hành khách bốc hàng lên xuống tàu. Ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng thôn Liên Hòa cho biết, việc làm này đã chiếm được cảm tình của không chỉ người dân trong thôn mà còn cả những hành khách khác, khiến tàu không bị đỗ quá giờ. Rõ ràng đường sắt đang thay đổi.
Thiện Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận