Tài chính

Chuyện chủ tàu cá “gồng mình” gánh lãi ngân hàng

08/07/2022, 09:00

Ở huyện ven biển Bạc Liêu, 50% tàu nằm bờ, chủ tàu ruột gan như lửa đốt vì lãi ngân hàng phải trả nhưng đưa tàu ra khơi thì lỗ chồng lỗ.

Neo tàu, ngóng giá dầu hạ nhiệt

Khó khăn chồng chất khó khăn khi ngư dân vừa cố gắng “gượng dậy” sau đại dịch Covid-19 thì giá xăng dầu tăng vọt.

Anh Trần Văn Minh (ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) tính nhanh với phóng viên: “Trước đây, khi giá dầu đang ở mức khoảng 21.000 đồng/lít thì mỗi ngày đánh bắt ghe tôi cần khoảng 140 lít dầu. Trừ hết chi phí và nhân công, tôi cũng còn lời được chút đỉnh.

img

Tàu cá neo đậu khu vực cảng cá Trần Đề

Nay, giá dầu tăng cao gần 30.000 đồng/lít, chi phí đội lên gần gấp đôi. Cứ ra khơi là cầm chắc thua lỗ. Ai cố lắm mới dám đi vài chuyến để giữ người, giữ mối hàng”.

Có thâm niên trên 20 năm theo nghề đánh bắt thủy hải sản, ông Nguyễn Văn Thơ (ngụ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ, gia đình ông có 4 chiếc tàu cá đã không hoạt động 1 tháng qua.

“Hải sản đánh bắt không có nhiều, trong khi tiền mua dầu cho chuyến đi tăng lên hơn 500 triệu đồng so với những tháng trước đó. Vì thế, tôi chọn neo tàu chứ không còn cách nào khác, lãi ngân hàng cố gắng trả”, ông Thơ ngậm ngùi.

Lỗ cũng phải chạy

Cùng cảnh ngộ với ông Thơ, anh Nguyễn Văn Xuyên (ngụ huyện Trần Đề lý giải chuyện cố gắng duy trì các chuyến đánh bắt ngoài khơi: “Với chi phí vay ngân hàng khoảng 4 tỷ đồng, mỗi tháng tôi phải trả lãi trên 30 triệu đồng. Sau 3 tháng, nếu chuyến ra khơi trúng thì trừ hết chi phí lời cũng không bao nhiêu.

Giờ xăng dầu tăng cao thì coi như không có lãi nhưng vẫn phải cố gắng duy trì hoạt động để anh em ngư phủ có việc làm. Mình ngừng tàu thì anh em kiếm việc khác, lúc muốn đưa tàu hoạt động trở lại cũng không dễ có người làm”.

50% tàu nằm bờ

img

Tàu cá neo đậu tại cửa biển Gành Hào (Bạc Liêu)

Theo ghi nhận của phóng viên, những trường hợp cố bám biển như anh Xuyên ngày càng ít đi.

Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, toàn huyện này có số lượng tàu cá khoảng 600 chiếc. Nhưng qua khảo sát có gần 50% phương tiện khai thác trên địa bàn huyện tạm nghỉ chờ giá xăng, dầu bình ổn trở lại.

Theo Bộ NN&PTNT, từ tháng 12/2021 đến nay, giá xăng, dầu liên tục tăng cao và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp thời gian tới, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân, trong đó có cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản.
Đến nay, cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động, trong khi nhu cầu xăng dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng. Ngư dân chủ yếu sử dụng dầu diesel 0.05S cho tàu khai thác thủy sản, nhưng giá dầu đã tăng lên tới 65%, tức là chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng.

Tại cảng cá Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) những ngày gần đây, có khoảng 100 tàu cá được ngư dân cho vào khu neo đậu... Cảnh tượng rất đìu hiu.

Tình trạng này cũng diễn ra tại Sóc Trăng, Cà Mau. Sóc Trăng có 996 tàu cá. Trong đó, có 336 phương tiện khai thác đánh bắt xa bờ. Tính sơ bộ đến thời điểm này có hơn 150 tàu tạm ngưng hoạt động.

Thống kê nhanh ở tỉnh Cà Mau cho thấy, với 4.500 chiếc tàu khai thác thủy sản, đa số các tàu cá nằm bờ thời gian qua là tàu nhỏ, vốn ít. Một số tàu lớn cố duy trì hoạt động để đảm bảo nguồn cung cho đối tác.

Cần hỗ trợ kịp thời

Một chủ cơ sở thu mua thủy, hải sản ở cửa biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu) cho biết, tàu nằm bờ nhiều, nguồn hàng thiếu hụt. Có lúc phải chạy đôn đáo tìm mối khác cung cấp hàng nhưng giờ người đi biển ít nên các vựa cá hoạt động cầm chừng.

Để chia sẻ với bà con ngư dân tỉnh Sóc Trăng, ngành nông nghiệp tỉnh này cũng đang rà soát, ghi nhận ý kiến đề xuất của bà con ngư dân, xem xét việc hỗ trợ phù hợp để ngư dân có thể tiếp tục duy trì vươn khơi bám biển trong thời gian tới.

Còn theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, tỉnh này đã có chính sách hỗ trợ chi phí cước thuê bao của thiết bị giám sát hành trình, đây cũng là một hình thức để hỗ trợ cho ngư dân.

Trao đổi với phóng viên, các chủ tàu mong muốn chính quyền xem xét giảm giá tiền đóng phí neo đậu ở cảng cá, giảm phí đóng giám sát hành trình, giảm lãi suất ngân hàng… để giúp ngư dân qua được giai đoạn khó khăn này.

“Nếu tàu nằm bờ lâu, lãi chồng lãi, việc hồi phục hoạt động của các tàu cá là rất khó khăn, rất mong các giải pháp của Nhà nước sẽ đến với ngư dân vùng biển sớm hơn”, các chủ tàu mà phóng viên tiếp xúc ở Sóc Trăng đều có chung nguyện vọng này.

Ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc Sở Công thương, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau chia sẻ, giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển hàng hóa, thương mại, dịch vụ của doanh nghiệp cũng như tàu cá đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn.

“Doanh nhiệp xuất khẩu phải vận chuyển bằng xe tải, xe container đi xuất khẩu, giá xăng dầu tăng lên, kéo theo chi phí vận chuyển cũng tăng lên.

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và thương mại, dịch vụ đều bị ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều, nặng nề nhất có thể kể đến các chủ tàu cá đánh bắt thủy hải sản”, ông Đô chia sẻ thêm.

Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ trước mắt 6 tháng

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá xăng dầu.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo tổng hợp thông tin báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 27/6, đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40 - 50%.

Đặc biệt là các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiên liệu như: Lưới kéo, nghề rê... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Điều này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương và Bộ LĐ-TB&XH xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng.

Ngày 7/7, Bộ Công thương kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, trong đó đề xuất hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách bù vào giá xăng dầu tăng cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.