Hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành GTVT từ văn phòng trụ sở đến công trường không kể ngày đêm xắn tay phối hợp cùng các địa phương triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam. Nỗ lực đó đã góp phần giúp ngành giao thông đạt kết quả giải ngân thuộc top đầu cả nước.
Xã Xuân Đông, thị xã Hòa Đông, tỉnh Phú Yên là một trong những nơi mà dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đi qua. Trong những trường hợp bị ảnh hưởng của dự án, hộ bà Hồ Thị Hiền thuộc diện nhiều vướng mắc.
Bà Hiền có 10.000m2 đất nông nghiệp khai hoang từ năm 1997 thuộc địa bàn hai xã. Năm 2003, khi khai báo diện tích đất khai hoang, bà Hiền chỉ khai tại xã Xuân Đông mà không khai với xã bên cạnh. Khi áp giá đền bù dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, đất của bà Hiền chỉ được đền bù một nửa theo quy định của Nhà nước. Vậy là chủ hộ đi khiếu kiện khắp nơi.
Ông Hồ Xuân Thắng, Trưởng phòng điều hành dự án 3 (Ban QLDA 7) nhớ lại, có tổng cộng ít nhất 6 lần xuống nhà bà Hiền nói chuyện, mỗi lần mất vài tiếng đồng hồ. Đây lẽ ra cũng là việc của địa phương, nhưng cán bộ Ban QLDA 7 và nhà thầu đã không đứng ngoài.
Sau nhiều lần tỉ tê, ngoài đền bù theo tiêu chuẩn Nhà nước, nhà thầu cam kết hỗ trợ chặt cây, di dời vật kiến trúc, nhận con em vào làm công nhân ngay tại dự án. Cuối cùng bà Hiền đã thuận lòng.
Đầu tháng 3/2023, sau thời điểm khởi công và hoàn tất công tác chuẩn bị công trường, các nhà thầu bắt tay thi công dự án cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi. Tuy nhiên việc triển khai vẫn gặp khó bởi mặt bằng dù bàn giao 70% nhưng ngắt quãng, không có đường tiếp cận.
Theo ông Hoàng Chiến Thắng, giám đốc dự án, ưu tiên số một lúc này là làm trước các đoạn hạ cao độ ở đồi Long Tương (xã Quang Lộc) để lấy vật liệu điều phối và làm đường công vụ dọc tuyến. Thế nhưng, đường vào đồi còn vướng đất, nhà ở của hơn chục hộ dân xã Quang Lộc.
Các vị trí này còn chưa phê duyệt giá đất, chưa đền bù cho dân, chờ quy hoạch tái định cư. Nếu không mở được đường tiếp cận đồi, toàn bộ các vị trí thi công khác không thi công được.
Giữa lúc khó khăn ấy, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với ban quản lý dự án và nhà thầu đi tuyên truyền vận động người dân.
"Suốt hai tuần liền, các tổ đi tới từng nhà vận động. Cuối cùng hơn chục hộ dân ở Quang Lộc đã đồng ý cho mượn vườn, dời nhà để nhà thầu mở đường thi công. Thủ tục giấy tờ tuy chưa đầy đủ, song chính quyền các cấp đều cam kết đảm bảo lợi ích cho người dân đúng quy định. Mặt bằng thông một cách nhanh chóng", ông Thắng nhớ lại.
Hơn 7 tháng kể từ ngày khởi công, nguồn vật liệu thi công, nhất là đất đắp và cát vẫn là thách thức với hầu hết các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Thế nhưng, tại dự án Vân Phong - Nha Trang, hiện 8 mỏ đất với trữ lượng 4,6 triệu m3 đã hoàn thành hồ sơ khai thác, đang chờ tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép.
Để có được kết quả mà nhiều dự án khác chưa làm được, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các cán bộ Ban QLDA 7, nhà thầu phải ngày đêm lặn lội đến các khu vực để thỏa thuận với người dân.
Ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban QLDA 7 kể, với mỏ đất Linh Thân 1, 2 ở huyện Vạn Ninh, một mỏ đất chủ sở hữu đã cơ bản đồng ý nhưng khi áp giá đền bù lại không chấp thuận vì cho rằng giá thấp. Cả chục lần thương thảo, nhà thầu và chủ đất vẫn không đi đến thống nhất.
Cuối cùng, địa phương phải tính đến "động tác giả", giới thiệu một mỏ đất khác gần đó, nếu chủ đất này không chấp thuận sẽ không bán được cho ai vì đất đã đưa vào quy hoạch. "Cuối cùng hai bên đi đến thỏa thuận, nhà thầu phải huy động nhanh thiết bị đến triển khai vì sợ chủ đất đổi ý", ông Tuyên kể.
Tham gia dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, đại diện liên danh nhà thầu Tổng công ty 319 - Vinaconex khẳng định, trong các địa phương có dự án đi qua từng thi công, chưa nơi nào làm nhanh và quyết liệt như ở Hà Tĩnh.
Ở dự án, đơn vị xin cấp 4 mỏ đất và một mỏ cát. Theo Luật Đất đai, doanh nghiệp phải tự làm việc với dân để giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu. Ngặt nỗi, quá trình thương thảo, có những người dân đòi giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần địa phương định giá.
Nhà thầu rơi vào thế khó. Một lần nữa, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh lại vào cuộc. Đầu tháng 8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập riêng tổ công tác với thành phần là các sở liên quan, chính quyền huyện, xã để hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận thuê quyền sử dụng đất của người dân.
"Hồ sơ xin cấp mỏ được nhà thầu bắt đầu làm từ tháng 2/2023, đến nay đã xong toàn bộ, chỉ còn bước thỏa thuận đền bù với chủ đất trong phạm vi mỏ", đại diện liên danh nhà thầu cho hay.
Để giải ngân được vốn không chỉ có riêng nhiệm vụ tạo ra sản lượng trên công trường dự án giao thông. Đằng sau những công nhân, kỹ sư tăng tốc các hạng mục ở hiện trường, phía sau "cánh gà" dự án còn là những kỹ sư, tư vấn, cán bộ QLDA làm nội nghiệp đêm hôm để công tác nghiệm thu được nhanh chóng, dòng tiền kịp thời được xoay vòng.
Rất nhiều thời điểm, đã 22h đêm song Văn phòng Ban điều hành dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong ở Phú Yên chưa thôi sáng đèn. Ở đó, các kỹ sư Ban QLDA 7 vẫn miệt mài rà soát lại số liệu sau một ngày thi công.
Đại diện ban điều hành dự án cho biết, năm 2023, kế hoạch vốn được giao cho dự án là 3.200 tỷ đồng. Đến nay, sản lượng giải ngân mới đạt 1.500 tỷ đồng, còn 1.700 tỷ đồng là thách thức rất lớn trong 4 tháng cuối năm. Áp lực đó đòi hỏi chủ đầu tư, nhà thầu phải có cách làm mới.
Trước đây, việc giám sát tại công trường thường được giao cho tư vấn giám sát, đến cuối tháng mới chuyển lên chủ đầu tư rà soát, giám đốc các ban QLDA ký duyệt, qua các bộ phận soát xét, hồ sơ mới được chuyển sang Kho bạc Nhà nước. Thời gian hoàn thiện hồ sơ có khi mất đến cả tháng.
Hiện nay, tại công trường, cán bộ của ban, tư vấn giám sát, nhà thầu đều phải bám sát. Thi công xong hạng mục công việc nào, đại diện cả ba đơn vị xác nhận luôn khối lượng.
"Cuối tháng, giám đốc điều hành dự án được ủy quyền ký xác nhận khối lượng, việc rà soát của các bộ phận phía sau rất nhanh. Chỉ trong 3 ngày là hồ sơ hoàn thành để chuyển tiền cho nhà thầu", ông Hồ Xuân Thắng, Trưởng phòng điều hành dự án 3 (Ban QLDA 7) chia sẻ.
Giai đoạn chạy nước rút về đích yêu cầu dòng tiền lớn để huy động vật tư, vật liệu, nhất là bê tông nhựa, trong khuôn khổ quy định cho phép, cơ chế giải ngân tại dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn cũng trở nên linh hoạt.
Theo Giám đốc Văn phòng điều hành dự án Nguyễn Ngọc Quỳnh, ngay từ thời điểm giá cả vật liệu leo thang, hỗ trợ đơn vị thi công duy trì dòng tiền ổn định, Ban QLDA 2 đã giải tỏa 7% giá trị hợp đồng (theo quy định, chủ đầu tư giữ lại 7% giá trị hợp đồng, trong đó 5% tiền bảo hành, 2% tiền chờ quyết toán) cho các nhà thầu. Đến khi khối lượng công việc hoàn thành được 80% sẽ thu hồi.
Với cách làm tương tự, ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, giai đoạn giá cả nhiên, vật liệu biến động, đảm bảo tiến độ hai dự án thành phần Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, đơn vị đã báo cáo Bộ GTVT xem xét, chỉ giữ lại khoản 5% tiền bảo hành công trình, không giữ khoản 2%.
Ngay cả hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang triển khai là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Ban QLDA Thăng Long cũng chỉ giữ lại 3% tiền bảo hành công trình, 1% tiền phục vụ quyết toán.
"Trường hợp nhà thầu gặp khó về tài chính bởi lý do khách quan, Ban QLDA Thăng Long sẽ tiếp tục xem xét nới các khoản bảo hành, quyết toán, tạo nguồn lực tài chính cho nhà thầu đẩy nhanh sản lượng thi công, làm cơ sở luỹ tiến giá trị giải ngân tại dự án", ông Sơn nói.
Hơn 3 tháng kể từ ngày tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào khai thác tuyến chính, kết quả vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch của nhà đầu tư dự án vẫn như một câu chuyện truyền cảm hứng trong bối cảnh khối lượng công việc nhiều, áp lực thời gian lớn như hiện nay.
Song cuối cùng, doanh nghiệp vẫn đạt được kết quả rất tốt. Ông Huy kể, ngoài sự chủ động lên kế hoạch từng hạng mục, bố trí vốn phù hợp ở từng thời điểm, mấu chốt giúp nhà thầu tăng tốc chính là đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm không quên thời điểm khởi công dự án cũng là lúc bùng dịch Covid-19 tại địa phương. Nhà thầu đứng trước loạt thách thức: Giá vật liệu tăng cao, đất đắp rất khan hiếm...
Ở Nha Trang - Cam Lâm, công nghệ hiện đại nhất của châu Âu và Mỹ đã được Tập đoàn Sơn Hải ứng dụng để phục vụ thi công. Nổi bật là hệ thống trộn bê tông nhựa chuyên dụng của Đức giúp tăng tốc độ thảm lên gấp đôi với làn rộng 8m, so với công nghệ cũ chỉ 4m, một dây chuyền thảm chỉ cần 5 công nhân vận hành so với 20 người như trước đây.
Hay với hạng mục dải phân cách giữa, nhà thầu đã dùng máy chuyên dụng, bê tông được đổ liền khối bề mặt láng mịn, không nứt nẻ. Mỗi ngày dây chuyền này có thể đổ 1km dải phân cách giữa, tăng gấp đôi công suất so với cách làm cũ. Bài toán tiến độ nhờ đó được giải quyết.
Thực hiện triệt để 4 nguyên tắc
Tại cuộc họp về kế hoạch giải ngân đầu năm nay, để đảm bảo tiến độ giải ngân khổng lồ 8.000 tỷ đồng mỗi tháng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu triệt để 4 nguyên tắc.
Thứ nhất, các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt. Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng phải càng nhanh càng tốt. Thứ ba, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh bao nhiêu sẽ được bố trí đủ tiền bằng đó.
Cuối cùng là các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quy mô gói thầu lớn nên phải thực hiện theo phương châm "vừa chạy, vừa xếp hàng", tức là có thể triển khai song song nhiều việc. Ví dụ như vừa thiết kế bản vẽ thi công, vừa thi công trên cơ sở từng phần bản vẽ được duyệt, vừa xây dựng phương án mua vật liệu để thi công trong thời gian đầu, vừa đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép mỏ vật liệu mới...
Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban quản lý dự án vừa là chủ đầu tư phải chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu vi phạm hợp đồng theo các quy định cũng như hợp đồng đã ký kết. Những nhà thầu nào không đạt yêu cầu phải có chế tài và xử lý ngay.
Chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn phải đổi mới cách làm
Con số hơn 94.000 tỷ đồng kế hoạch vốn Bộ GTVT được giao là rất lớn (gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022, riêng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chiếm tới hơn 45.000 tỷ đồng), đứng trước áp lực giải ngân, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu, tư vấn đổi mới cách làm.
Nếu trước đây, khối lượng giải ngân chưa cao, giai đoạn đầu các dự án thường chưa được tập trung đẩy tiến độ thì hiện tại, các nhà thầu phải tăng ca, tăng kíp ngay từ đầu.
Trong lúc giá trị thi công nền đường còn thấp (chủ yếu cho công tác cào bóc tầng phủ, đắp đất), các hạng mục không phụ thuộc vào thời tiết, có giá trị giải ngân cao hơn như cống chui, cầu, hầm… được yêu cầu tập trung thực hiện, đảm bảo tính khả thi của kế hoạch giải ngân đã đăng ký từng tuần, từng tháng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng.
Đầu tư bài bản, năng lực nhà thầu mạnh hơn
Gần 30 năm gắn bó với ngành GTVT, tôi đặc biệt ấn tượng với sự lớn mạnh của nhà thầu Việt Nam.
Nếu trước đây một vệt thảm chỉ 3m, công suất cao nhất được khoảng 600 - 1.000 tấn/ngày thì hiện nay, nhà thầu Việt Nam đã sở hữu phương tiện thi công với vệt thảm cả chục mét, công suất lên đến 2.000 tấn/ngày.
Việc mạnh tay đầu tư của nhà thầu là một trong những mấu chốt tiến độ dự án có thể giải ngân, áp lực giải ngân được hóa giải.
Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2
Bài và ảnh: Nhóm phóng viên
Thiết kế: Nguyễn Tường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận