Cuộc sống bên kênh đào
Những ngày cuối năm 2023, không khí tất bật len lỏi trong cuộc sống bên dòng kênh Vĩnh Tế, đoạn qua xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.
Sinh ra và lớn lên ở đất Giang Thành, cặp bờ kênh Vĩnh Tế, anh Trần Công Tú (33 tuổi) đã chứng kiến sự thăng trầm của người dân sống bên bờ kênh. Tuổi thơ của anh cũng gắn liền với dòng kênh 200 tuổi này.
"Tôi nghe ông bà kể lại ngày xưa, kênh Vĩnh Tế là đường thủy rất quan trọng trong vùng. Người ta đi đâu cũng đi trên con kênh này. Lúc tôi còn nhỏ cha mẹ dẫn đi du lịch Hà Tiên (Kiên Giang) hay lễ miếu Bà ở Châu Đốc (An Giang) đều phải ngồi tàu khách chạy trên dòng kênh này. Thời đó, tàu chở được hai chục người, rồi gà, vịt, hàng hóa, nông sản cũng chất vô ngồi chung", anh Tú kể.
Tiếp lời anh Tú, ông Phan Phú Lâm (50 tuổi) ngụ cùng xã Vĩnh Điều cho biết thêm, chạy dọc kênh Vĩnh Tế là bạt ngàn đồng ruộng, từ An Giang đến Kiên Giang.
"Nếu không có con kênh này thì không biết lấy nước đâu cho bà con làm lúa. Rồi thương lái cũng phải đi ghe qua con kênh này, len lỏi vào các kênh nhánh, rạch nhỏ để mua lúa. Không chỉ lúa, hàng hóa ngày xưa đều được tàu, ghe vận chuyển trên con kênh này.
Giờ thì chỉ còn ghe chở lúa đi thôi, người ta đi đường bộ hết rồi. Tính ra con kênh có vai trò quan trọng không kém gì các tuyến quốc lộ, cao tốc bây giờ", ông Lâm nhớ lại.
Người dân ở xã Vĩnh Điều chưa thể quên mười mấy năm về trước, có năm lũ lớn, nước trắng xóa một vùng, tràn qua quốc lộ N1, "bò" vào nhà dân. Con kênh Vĩnh Tế lúc đó cũng "lặn" ở dưới, nhìn đâu cũng mênh mông nước.
"Lúc ấy, nhà ở khu vực này toàn là nhà sàn để chống lũ. Nhà ai có xe máy phải đem đi gửi ở vùng đất cao hơn, những chiếc xuồng lâu ngày không đụng đến được đem ra sử dụng làm phương tiện đi lại", anh Tú kể.
Những năm trở lại đây, đê bao, các đập thủy điện ở thượng nguồn từ Lào đã ngăn sông Hậu tải nước, phù sa về các kênh rạch, đồng ruộng. Kênh Vĩnh Tế không ào ào nước như ngày trước nữa, nhưng giá trị của nó thì không có gì thay đổi, vẫn lặng lẽ điều tiết nước ngọt cho một vùng rộng lớn và dang mình đón những chiếc ghe tàu chở đầy nông sản…
Kỳ công đào kênh lớn nhất miền Tây
Kênh Vĩnh Tế chảy qua địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang - là con kênh đào lớn nhất lịch sử phong kiến.
Kênh bắt nguồn từ sông Châu Đốc (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) kéo dài 87km nối vào sông Giang Thành (thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Đều là những đô thị gần hoặc có đường biên giới với nước bạn Campuchia, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa Châu Đốc và Hà Tiên là rất lớn.
Thủy sản như tôm, ốc biển, cá biển… ở Hà Tiên ngược dòng Vĩnh Tế để đi đến Tri Tôn, Châu Đốc của tỉnh An Giang. Ngược lại, trâu bò, lúa gạo, trái cây núi… sẽ từ vùng Bảy Núi, theo kênh Vĩnh Tế để xuôi dòng về xứ biển.
Cho đến ngày nay, Châu Đốc và Hà Tiên là hai thành phố trực thuộc tỉnh có lịch sử lâu đời và phát triển tầm cỡ khu vực.
Việc thông thương hàng hóa và du lịch giữa hai đô thị này được phần lớn quốc lộ N1 đảm nhận, nhưng dòng kênh Vĩnh Tế vẫn nguyên vai trò dẫn nước ngọt để phát triển nông nghiệp, đảm nhận vai trò giao thông thủy để luân chuyển hàng hóa.
Giá trị của kênh Vĩnh Tế 200 năm qua đã quá rõ ràng, điều này cho thấy tầm nhìn của những vĩ nhân hai thế kỷ trước. Khi ở thời điểm này, đào một con kênh quy mô như Vĩnh Tế là một kỳ tích.
Theo sử sách, vào năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong, vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: "Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy".
Nhưng nhà vua chưa ra lệnh đào ngay vì ngại đây là vùng đất mới mở, nhân dân còn cơ cực, nếu bắt làm xâu thêm khổ sở, lòng dân sẽ không yên. Mãi đến tháng 9 (Âm lịch) năm 1819, vua Gia Long mới phát lệnh đào kênh và sau 5 năm thì hoàn thành.
Theo sách Quốc triều sử toát yếu, mục đích đào kênh của vua Gia Long ban đầu vì muốn mở đường giao thông thủy, tạo đà phát triển nông thương giữa hai đô thị đã sớm hình thành từ khi ấy là Châu Đốc và Hà Tiên. Kỳ công đào kênh trải qua 5 năm với ba giai đoạn, huy động trên 80.000 người tham gia đào kênh.
Kênh khi hoàn thành dài 87km, rộng trung bình 30m, sâu trung bình khoảng 2,5m. Không tính những đoạn sông, rạch có sẵn, phần kênh phải đào mới dài 37km.
Ở thời kỳ phong kiến, đây là một công trình dường như bất khả thi, chỉ có sự quyết tâm cực kỳ cao độ, đánh đổi bằng máu và nước mắt của nhân công mới có thể hoàn thành.
Sau 200 năm, kênh Vĩnh Tế vẫn phát huy vai trò cho sự phát triển một vùng đất rộng lớn. Những cánh đồng lúa theo dòng kênh tỏa đi các nơi ngày một mở rộng. Dòng kênh còn là tuyến đường thủy huyết mạch nối hai đô thị lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long là Châu Đốc và Hà Tiên.
Trả lại độ sâu vốn có
Nhiều năm trước, An Giang cũng đã khởi công dự án nạo vét dòng kênh Vĩnh Tế với chiều dài lên đến 42km, dự án hiện đã hoàn thành góp phần thoát lũ ra biển Tây, dẫn nước ngọt phát triển nông nghiệp và kết hợp giao thông thủy.
Năm 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp An Giang triển khai dự án nạo vét kênh Vĩnh Tế. Khi đó, vướng 2km qua xã An Phú (Tịnh Biên) phía dưới có nhiều đá ngầm.
Nhiều phương án được đưa ra, cuối cùng dùng đến thuốc nổ. Theo ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp An Giang, chỉ một đoạn 2km mà mất gần cả năm mới xong. Thế mới biết công sức của tiền nhân khi trước ra sao…
Để tăng thêm tính hiệu quả của kênh Vĩnh Tế, hiện một dự án nạo vét lòng kênh, đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài 16km đang được triển khai.
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - chủ đầu tư dự án cho biết, dự án được triển khai từ tháng 4/2023, dự kiến đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành. Khi dự án hoàn thành, kênh Vĩnh Tế đoạn qua Kiên Giang sẽ được nạo sâu thêm 3,5m, lòng kênh rộng từ 20-25m.
Mục đích của việc nạo vét là trả lại độ sâu vốn có của dòng kênh sau hàng trăm năm sử dụng. Qua đó, tăng cường khả năng thoát lũ, bổ sung nguồn nước ngọt cho vùng Tứ giác Long Xuyên và kết hợp phát triển giao thông thủy.
Cạnh kênh Vĩnh Tế qua huyện Giang Thành, những căn nhà sàn cũ không còn hiện hữu, thay vào đó là những căn nhà khang trang cặp quốc lộ N1, cuộc sống người dân ở vùng biên giới đổi thay từng ngày.
Ngày nay, để nhớ ơn những người có công lao to lớn trong công cuộc đào kênh, khai khẩn ở thành phố Châu Đốc, lăng Thoại Ngọc Hầu luôn nghi ngút khói. Tên vợ ông, bà Châu Thị Tế cũng được dùng để đặt nhiều địa danh, trường học…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận