Kíp trực tàu đặc biệt
“Vinh dự” và “hồi hộp” là những cảm xúc của ông Phạm Đức Khái, Trưởng ga Đồng Đăng chia sẻ với PV Báo Giao thông khi nói về thời khắc đón đoàn tàu đặc biệt chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong sáng 26/2.
Để bảo đảm bí mật tuyệt đối, “chúng tôi cũng không biết được chính xác giờ giấc cụ thể đoàn tàu Triều Tiên đến ga Đồng Đăng. Chỉ biết rằng đó là đoàn tàu đặc biệt và họ đến từ phía ga Bằng Tường (Trung Quốc). Do đó, ngay trong ngày 25/2, ga Đồng Đăng đã hủy 2 chuyến tàu hàng và 2 chuyến tàu khách liên vận quốc tế để tập trung chuẩn bị và sẵn sàng đón ông Kim Jong Un bất cứ lúc nào”, ông Khái nói và cho biết, toàn bộ 53 nhân viên của ga Đồng Đăng được huy động tham gia công tác chuẩn bị đón đoàn Triều Tiên; thêm đó là hơn 100 nhân viên của các đơn vị đường sắt trên địa bàn Đồng Đăng như cầu đường, khám chữa toa xe, thông tin tín hiệu, vận tải… phối hợp vận hành kỹ thuật để tàu bọc thép của Triều Tiên tới ga an toàn.
Khoảng cách từ ga Bằng Tường tới ga Đồng Đăng là 4,6km. Do khổ ray tàu là 1.435mm nên nhân viên kỹ thuật ga Đồng Đăng phải thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật để bảo đảm an toàn cao nhất.
“Theo quy định, trước khi tàu chạy vào Ga Đồng Đăng thì phía Ga Bằng Tường phải xin đường cách đó 1 tiếng đồng hồ. Do đó, đúng 7h10 (26/2), phía ga nước bạn xin đường để đoàn tàu đặc biệt lăn bánh. Đúng 8h10, tàu vào đến ga Đồng Đăng. Ông Kim Jong Un và đoàn lãnh đạo Triều Tiên bước xuống tàu và được lãnh đạo nước ta đón tiếp nồng hậu. Lúc này, chúng tôi mới biết chính xác là có Chủ tịch Kim Jung Un trên tàu. Cùng lúc, 2 chiếc xe bọc thép của Triều Tiên di chuyển ra khỏi tàu để ra cổng ga. Một tiếng sau đó, đoàn tàu đặc biệt này rời Đồng Đăng về lại ga Bằng Tường”, ông Khái kể lại.
Trưởng ga Đồng Đăng cho biết: “Toa tàu của Triều Tiên nhưng đầu máy và lái tàu của Trung Quốc. Vì đầu máy giữa ga Bằng Tường và Đồng Đăng phải có người chạy quen để bảo đảm an toàn”.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối để QL1 thông suốt
Đó là câu chuyện mà Thượng tá Nguyễn Thành Dùng, Phó phòng CSGT Lạng Sơn kể lại cho tôi sau khi hoàn thành công tác bảo đảm ATGT dọc tuyến QL1 từ thời điểm ông Kim Jong Un đến và rời đi sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Theo Thượng tá Dùng, chưa bao giờ các anh tổ chức phương án giao thông quy mô lớn và quan trọng như thế này. Đây là lần đầu tiên Lạng Sơn đón nguyên thủ quốc gia Triều Tiên, đặc biệt hơn lại là qua đường sắt nên ai nấy cũng cảm thấy vinh dự và tự hào khi được góp một phần bé nhỏ vào nhiệm vụ chính trị quốc gia. Do đó, 100% quân số của đơn vị được huy động phục vụ sự kiện. Nhiều tổ công tác được bố trí chốt trực tại các ngả đường giao nhau với QL1 với nhiệm vụ không để bất cứ phương tiện hay người đi bộ di chuyển trên QL1 trong thời gian đón ông Kim Jong Un từ ga Đồng Đăng về Hà Nội.
Phó phòng CSGT Lạng Sơn xúc động: “Người dân Lạng Sơn rất tuyệt vời, nhất là khi đất nước có sự kiện lớn, vì lợi ích dân tộc. Khi được chúng tôi tuyên truyền giờ cấm lưu thông trên QL1 để đón đoàn Triều Tiên, bà con đều chủ động thực hiện. Có người sẵn sàng di chuyển phương tiện vào trong bến bãi hoặc ngõ cách xa đường chính, tự giác giải tỏa vi phạm hành lang và đóng cửa hàng quán để đường thông, hè thoáng. Bởi vậy, ngay từ đêm 25 đến sáng 26/2, toàn bộ 94km QL1 từ ga Đồng Đăng đến huyện Hữu Lũng, hết địa phận Lạng Sơn không một bóng xe di chuyển trên đường”.
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối trên QL1, các tổ công tác của Phòng CSGT luôn thay ca túc trực và tuần tra kiểm soát xuyên ngày đêm trên đoạn đường dài 94 km. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT Lạng Sơn đều không ngủ trong 2 ngày (25 và 26/2) để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân và lái xe thực hiện nghiêm lệnh cấm di chuyển và tổ chức khảo sát, kiểm tra các vị trí bất cập giao thông để sớm khắc phục.
“Phòng ngừa có chướng ngại vật trên đường khi đoàn đại biểu Triều Tiên di chuyển trên QL1, chúng tôi đã yêu cầu người dân tạm thời không chăn thả gia súc, gia cầm. Thậm chí, còn phối hợp với chính quyền các xã rà soát lại danh sách người bị tâm thần, đi lang thang trên đường để gia đình trông giữ, trường hợp không còn người thân sẽ được đưa về xã hoặc trung tâm bảo trợ xã hội tạm thời trông nom. Thực tế, 5h sáng 26/2, đã có một người đàn ông tâm thần từ trên đồi lao xuống đường rồi đi lang thang, may mắn chúng tôi phát hiện và kịp thời xử lý”, Thượng tá Dùng kể.
“Không rời vị trí, không sao nhãng nhiệm vụ nên việc ăn uống cũng được thực hiện tại chỗ. 4h sáng 26/2, chúng tôi nấu xôi ở đơn vị rồi mang đi phát cho các anh em. Có những chiến sĩ rơi vào ca trực từ 3 - 7h sáng, sát giờ đón đoàn Triều Tiên nên chỉ kịp ăn đứng gói xôi”, một chiến sĩ CSGT trạm Tùng Diễn chia sẻ.
“Thay áo” Ga Đồng Đăng trong 24 giờ
“Thông tin lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội bằng đường sắt qua ga Đồng Đăng được báo đến vào ngày 22/2, nên công tác chuẩn bị được triển khai rất khẩn trương, anh em đều thi công liên tục xuyên ngày đêm, vất vả hơn khi vào tiết trời lạnh buốt có mưa. Ngoài việc lắp đặt thêm một số trang thiết bị, trang trí vườn hoa cây cảnh, sơn mới nhà ga, ngành giao thông đã thảm xong đoạn đường đi bộ dài hơn 100m trước cổng ga, các lối vào bên trong và sửa chữa cống nước chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ chỉ với một máy thảm và 30 công nhân”, ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn.
Trắng đêm không ngủ trước giờ G
“Ông Kim di chuyển bằng tàu bọc thép qua ga Đồng Đăng là điều đặc biệt. Tôi và đồng nghiệp đã chờ tại đây từ 8h sáng 25/2 và thức xuyên đêm đến sáng 26/2 để hy vọng có những cảnh quay đầu tiên về ông Kim cùng đoàn tàu hoả lừng danh. Suốt quãng thời gian ấy, cứ 30 phút, chúng tôi lại truyền 1 bản tin về nước”, phóng viên Yamaguchi, hãng truyền hình Nhật Bản NHK.
Ga Đồng Đăng về đêm vẫn còn có hàng trăm chiến sỹ công an, quân đội được trang bị vũ khí thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát dọc các tuyến đường và ngõ ngách. Thậm chí, tại các nóc nhà cao tầng bao quanh ga luôn có lực lượng cảnh giới, trực chiến. Ngay trước cổng ga Đồng Đăng, một quán ăn nhỏ vẫn được mở thâu đêm, suốt sáng. Mỳ tôm, bánh mỳ, trà đặc, cà phê là những thức ăn, đồ uống được cánh phóng viên và các chiến sỹ công an chốt trực dọc đường ưa chuộng, nhất là trong cảnh trời mưa rét thấu xương. 4h sáng, khi đồ ăn đã không còn đủ bán, bà chủ quán lục tìm gói bánh quy rồi chia cho từng người. 5 phích nước nóng cũng được bà chủ pha trà cạn sạch…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận