Gửi con, hai vợ chồng trực chống dịch
16h30 chiều 14/8, vừa kết thúc hành trình chở bệnh nhân cấp cứu vào bệnh viện, về trạm vệ tinh khu vực Hải Châu, anh Trương Công Hải (40 tuổi, Đội xe, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng) lại nhận lệnh đón 5 bệnh nhân Covid-19 lên Bệnh viện dã chiến Hòa Vang.
Chưa đầy 5 phút, anh Hải “diện” xong bộ đồ bảo hộ, găng tay, mắt kính chuyên dụng, cùng y sĩ Nguyễn Viết Tú hướng lên QL14B đón ca bệnh tại khu cách ly khu vực trường bắn 327.
“Những ngày đầu chở ca dương tính Covid-19 cũng có phần e ngại, chỉ sợ xảy ra sơ suất trong phòng hộ, dẫn đến khả năng lây nhiễm chéo. Nhưng rồi, đến nay mọi thứ thành thạo, ai cũng cẩn trọng và quen dần với công việc”, anh Hải kể.
Hơn 19h tối cùng ngày, việc giao nhận 5 bệnh nhân Covid-19 mới hoàn thành, anh Hải đánh lái chiếc xe cứu thương về lại trạm vệ tinh Hải Châu, tiến hành khử khuẩn.
Cả người và xe như “tắm” dưới hệ thống phun nước khử trùng. Áo quần được gói gọn cẩn thận. Anh Hải ăn vội hộp cơm để sẵn khi đồng hồ điểm 20h. Tranh thủ thời gian rảnh, anh Hải lấy điện thoại gọi về nhà nói chuyện với hai con.
“Cả hai vợ chồng cùng làm ở 115 Đà Nẵng, giờ tự cách ly ở cơ quan nên cả tháng nay chưa được gặp con, phải gửi nhờ ông bà ngoại trông giúp”, anh Hải nói.
Điều dưỡng Ngô Thị Chinh, vợ anh Hải “trực chiến” tại trạm vệ tinh Cẩm Lệ cũng chẳng mấy khi có thời gian gặp chồng. Theo anh Hải, giai đoạn dịch khiến toàn bộ hệ thống cấp cứu 115 hoạt động hầu như quá tải. Anh em mệt, nhưng luôn sẵn sàng để lên đường trong mọi hoàn cảnh.
Cùng hoàn cảnh, điều dưỡng Huỳnh Đức Thành (34 tuổi, Trung tâm cấp cứu 115) phải nhờ ông bà ngoại trông coi 2 con nhỏ, trong đó bé thứ hai mới 7 tháng tuổi.
Bản thân phải trực 100% tại trạm cấp cứu vệ tinh, vợ anh Thành cùng là điều dưỡng tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng nên không thể về nhà. “Cả hai vợ chồng chỉ biết chăm con qua điện thoại. Thương nhất là đứa nhỏ thiếu sữa mẹ”, anh Thành bộc bạch.
Anh Phạm Hồng Sơn, Đội trưởng Đội xe, Trung tâm cấp cứu 115 cho hay, đội có 14 xe cấp cứu, 27 tài xế, hầu hết đều có gia đình. Cũng như các bộ phận khác, anh em phải trực 100% quân số, và “xoay vòng” xe hết công suất, gác lại chuyện nhớ nhà, con cái…
Xúc động nhất là trường hợp lái xe Phạm Văn Thành, đang về chịu tang bố mất tại quê Thanh Hóa được 2 ngày, nhưng khi Đà Nẵng vào giai đoạn cách ly xã hội, đã lập tức nén lại đau thương, tiếp tục vào lại đơn vị “trực chiến”.
Buồn vui cùng ca bệnh
Hơn 20 năm công tác tại Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, Đội trưởng Sơn thuộc diện kỳ cựu, lão luyện nhất trong đội xe. Trực tiếp tham gia lái xe ngay từ đầu chiến dịch Covid-19, anh Sơn đã thực hiện cả trăm hành trình đưa đón bệnh nhân Covid-19, F1…
13h30 ngày 15/8, chưa kịp chợp mắt sau khi vừa kết thúc hành trình chở ca F1 lên khu cách ly tập trung, anh Sơn nhận nhiệm vụ đánh lái về phía nhà xác bệnh viện Đà Nẵng.
“Nếu đưa đón bệnh nhân thì kíp xe có 3 người (lái xe và 2 cán bộ chuyên môn), nhưng đưa xác bệnh nhân Covid-19 tử vong thì chỉ có một mình”, anh Sơn kể. Đến nơi, anh Sơn được một nhân viên hỗ trợ đưa quan tài lên xe trước và khiêng tử thi lên sau. Xe chuyển bánh, hướng về khu vực Hỏa táng An Phúc Viên (Hòa Vang, Đà Nẵng).
“Mình cũng chẳng kịp biết bệnh nhân đó là ai, chỉ biết thầm cầu nguyện cho họ yên nghỉ. Thương nhất con cháu, người thân gia đình, trong giờ tiễn biệt cũng chẳng được đến gần, phải đứng xa vài chục mét rồi bái lạy… Trước cơn đại dịch, số phận con người thật mỏng manh”, giọng anh Sơn như chùng xuống.
Hơn nửa tiếng sau khi kết thúc hành trình chở bệnh nhân Covid-19 và ngồi nghỉ tại trụ sở Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, mồ hôi trên người anh Bùi Quốc Hải vẫn nhễ nhại.
Anh bảo, người thường chỉ cần mặc đồ bảo hộ chừng vài chục phút là muốn cởi ra, trong khi đội ngũ cấp cứu phải mặc, vận động liên tục nhiều tiếng đồng hồ khiến không ít người mất hơi, kiệt sức, thậm chí như thiếu ô xi… Áp lực là vậy nhưng theo anh Hải, vui nhất là hành trình được đón bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, trở về địa phương.
Bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm 115 Đà Nẵng chia sẻ: “Là đơn vị duy nhất được thành phố giao vận chuyển các ca bệnh dương tính, F1 và các công việc liên quan đến dịch bệnh nên khối lượng công việc anh em tăng gấp 3-4 lần, mọi người trực 100%.
Áp lực lớn nhưng đến nay mọi việc thông suốt, hiệu quả, an toàn. Chính sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân thời gian qua đã “tiếp sức” rất nhiều cho anh em đơn vị hoàn thành tốt công tác, đảm bảo an toàn”.
Nhiều trung tâm cấp cứu 115 gặp khó giữa mùa dịch
Là “mũi tên” tiên phong trong tuyến đầu chống dịch Covid-19, nhưng hầu hết các Trung tâm cấp cứu 115 đang gặp khó về nhân lực, phương tiện, thậm chí cả đồ bảo hộ y tế… Ghi nhận của PV, Trung tâm cấp cứu 115 Quảng Nam, dù được định mức 13 xe cấp cứu nhưng hiện chỉ có 6 chiếc, trong đó 3 chiếc đời cũ, hư hỏng.
Ông Lương Đình Hải, Giám đốc Trung tâm 115 Quảng Nam cho hay: “Thiếu phương tiện nên khi vận chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng ra Huế, anh em phải căng mình làm việc. Trong khi đó, trang bị bảo hộ y tế chuyên dụng nhiều khi còn hạn chế…”.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Nhân, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm cấp cứu 115 Thừa Thiên - Huế cho biết, mỗi ngày đơn vị bố trí ít nhất 3 xe thường trực 24/24h để sẵn sàng phối hợp với 5 Đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát soát bệnh tật (CDC) tỉnh và 18 Đội phản ứng nhanh của các Trung tâm y tế để kịp thời vận chuyển các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân mới được công bố hay các trường hợp F1 đã đến địa bàn, vận chuyển đến các khu cách ly theo quy định.
Tuần qua, Chương trình “Cùng Báo Giao thông chung tay chống Covid-19 tại Đà Nẵng, miền Trung” đã trao gần 6.000 khẩu trang M3, N95, loại 1905 với tổng số tiền 80 triệu đồng cho các Trung tâm cấp cứu 115 Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và các bệnh viện tuyến đầu: Bệnh viện Phổi Quảng Trị, Bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2, Trung tâm y tế Đông Hà (Quảng Trị), Trung tâm y tế Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Đại Thắng - Duy Lợi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận