Góc nhìn

Chuyện cô bé bị Taliban bắn giành giải Nobel Hòa bình 2014

17/02/2015, 18:20

Cả thế giới đã biết đến cô gái này trước khi giải Nobel cao quý được đặt vào đôi tay dũng cảm ấy.

371

Bố và hai em của Malala thăm cô tại Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth tại Birmingham (Anh)

Được trao giải Nobel hòa bình ở tuổi 17, Malala Yousafzai trở thành người trẻ nhất trong lịch sử đạt được danh hiệu này. 

Trái tim can đảm

Malala được sinh ra ở thung lũng Swat - một nơi cuộc sống vốn đã từng tươi đẹp và yên bình, vùng đất được bao quanh bởi những dãy núi cao, những dòng sông đẹp và rất nhiều ngọn đồi xanh biếc. Mỗi ngày, cô đến trường cùng học tập với các bạn, vui vẻ ngắm những người khách du lịch đến thăm quê hương mình cho tới khi Taliban tràn đến làm thay đổi tất cả.

Chúng đốt phá gần 400 ngôi trường, cấm trẻ em gái đi học - một trong những quyền cơ bản nhất của trẻ em và tuyên bố phụ nữ không được phép đi chợ, đồng thời đóng cửa tất cả những cửa hiệu cắt, uốn tóc.

“Chúng tuyên bố không ai được quyền có tự do ở đây. Nhưng với tôi, việc đi học vô cùng quan trọng. Tôi muốn trở thành một ai đó có cuộc sống ý nghĩa. Khi ấy, tôi có hai sự lựa chọn: Một là im lặng, không nói bất cứ điều gì cho tới khi bị bọn khủng bố giết chết; Hai là nói ra, đấu tranh cho quyền lợi của mình và chết vì điều đó. Tôi đã lựa chọn điều thứ hai”, Malala nói.

Bố Malala điều hành một trường học ở Swat từ năm 1994 với hơn 1.100 học sinh, cô đã từng nói với bố: “Trẻ em gái phải được giáo dục. Bố hãy dành cho các em nhiều ưu tiên”.

Ngày 9/10/2012, một tay súng Taliban đeo mặt nạ chặn chiếc xe buýt chở học sinh đến trường, lao lên và hét vào mặt những đứa trẻ đang hoảng sợ: “Đứa nào là Malala?”. Sau đó, hắn bắn thẳng vào mặt cô học sinh Malala khi ấy mới 15 tuổi. Tội của cô bé là gì? Là đấu tranh cho quyền được học tập của trẻ em.

Cô bé lập tức được đưa vào bệnh viện và chuyển đến nước Anh. Sau khi bình phục, cô nói: “Những kẻ khủng bố đã phạm một sai lầm lớn. Bởi vì trước đó, tôi đã sợ rằng chúng sẽ có thể làm gì đó để ngăn tôi chiến đấu. Tuy nhiên, chúng đã tự chứng minh rằng không ai có thể ngăn cản được tôi. Sự yếu đuối sợ hãi của tôi đã chết chính vào ngày tôi bị bắn. Sức mạnh mới đã được sinh ra trong tôi. Vì thế tôi nghĩ rằng mình phải cảm ơn chúng về điều đó”.

372
 

Những kẻ khủng bố sợ giáo dục vì đó là sức mạnh

Malala đã từng nói: “Ở nhiều nơi trên thế giới, học sinh được đến trường mỗi ngày. Đó là cuộc sống bình thường đối với họ. Nhưng ở rất nhiều nơi khác, trẻ em khao khát đến trường. Được đi học là món quà quý giá, là kim cương”. Lý tưởng sống mạnh mẽ khiến những điều Malala làm càng trở nên giá trị.

Năm 2013, khi đến Mỹ giới thiệu cuốn sách “Tôi là Malala”, Jon Stewart - người dẫn chương trình The Daily show đã hỏi cô: “Cô mới 16 tuổi. Tình yêu với học tập của cô đến từ đâu?”. Malala đã trả lời đơn giản mà đầy ý nghĩa: “Chúng ta là con người. Một trong những phản ứng tự nhiên của con người là chúng ta không nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của bất cứ điều gì cho tới khi điều đó tuột ra khỏi bàn tay chúng ta. Ở Pakistan, khi chúng tôi không được đến trường nữa, tôi mới nhận ra rằng, giáo dục vô cùng quan trọng. Giáo dục mang lại sức mạnh cho phụ nữ và vì thế những kẻ khủng bố sợ giáo dục. Chúng không muốn phụ nữ được giáo dục bởi vì như thế họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn”.

Trước khi nhận giải Nobel, Malala quyết định cho trưng bày bộ đồng phục cô mặc vào ngày bị bắn. Bộ đồng phục đẫm máu. Cô giải thích: “Bộ đồng phục học sinh rất quan trọng với tôi vì tôi luôn mặc nó đến trường. Ngày bị bắn, tôi cũng mặc đồng phục. Tôi đã chiến đấu cho quyền được tới trường của mình. Mặc trên người bộ đồng phục học sinh khiến tôi cảm nhận đầy đủ rằng tôi là một học sinh, tôi đang đi học thực sự. Đó là phần quan trọng của cuộc đời tôi, giờ đây tôi muốn cho trẻ em, cho mọi người trên thế giới nhìn thấy bộ đồng phục ấy. Nó tượng trưng cho quyền được học tập của tôi, của tất cả trẻ em. Đừng bao giờ làm ngơ với quyền lợi ấy”.

Tại Swat, nơi bố của Malala điều hành một trường học, giờ đây không một bé gái nào đi học phải đóng học phí bởi các em được học bổng từ Quỹ Malala...  

Malala trở thành nguồn cảm hứng cho phụ nữ can đảm

Cô ấy không bị đánh bại: “Họ (Taliban) nghĩ rằng, những viên đạn sẽ khiến chúng ta phải câm lặng nhưng họ đã thất bại. Không có gì thay đổi trong cuộc sống trừ điều này: Sự yếu đuối, sợ hãi và tuyệt vọng đã chết đi trong khi sức mạnh, lòng can đảm và lòng nhiệt tình được sinh ra”.

Cô ấy biết tha thứ: “Tôi không ghét chiến binh Taliban đã bắn mình. Thậm chí kể cả khi ấy, anh ta đứng trước mặt tôi và trong tay tôi có một khẩu súng, tôi cũng sẽ không bắn anh ta. Đó là lòng từ bi tôi học được từ thánh Mohamed, Chúa Jesus và Đức Phật”.

Cô ấy khiêm nhường: “Xin hãy nhớ rằng: Ngày Malala không phải là ngày của tôi. Đó là ngày của tất cả phụ nữ, của trẻ em trai, em gái, những người dám lên tiếng vì quyền lợi của họ”.

Cô ấy nói thay những người bị áp bức: “Tôi không nói cho bản thân mình, tôi nói thay cho những người không thể lên tiếng”.

Cô ấy luôn có quyết tâm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình dẫn đến hòa bình và giáo dục. Không ai có thể khiến chúng tôi dừng lại. Chúng tôi sẽ lên tiếng vì quyền lợi của trẻ em và tạo ra thay đổi”.

Cô ấy giúp mọi người nhận thức. Diễn viên điện ảnh nổi tiếng Angelina Jolie nhận xét: “Những người mẹ và thầy cô giáo trên thế giới thường kể về Malala với con cái và học sinh của họ, đồng thời khuyến khích những đứa trẻ đó trở thành một phần trong phong trào giành quyền học tập cho trẻ em gái của Malala”.

Cô ấy là mối đe dọa với những kẻ áp bức. Bà Hilary Clinton nói: “Taliban coi cô gái trẻ đó là một mối đe dọa nghiêm trọng. Bạn hiểu điều đó là thế nào không? Bọn chúng đã đúng. Cô ấy thực sự là mối đe dọa với chúng”.  

Cô ấy là niềm cảm hứng của nhiều người. Sarah Brown, phu nhân cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và người thành lập tổ chức “A world at school” nói: “Sự quyết tâm sắt đá của Malala trong việc giành quyền học tập cho tất cả trẻ em khiến hàng ngàn nhà hoạt động xã hội khác lên tiếng cùng cô ấy”.

Cô ấy là biểu tượng của Hy vọng. Tổng thư kí LHQ Ban Ki-moon đã nói: “Malala là biểu tượng của lòng can đảm, của hy vọng cho hàng triệu triệu trẻ em, đặc biệt là những trẻ em gái đang bị xâm phạm quyền con người, phẩm giá và quyền được học tập”.

Cô ấy tạo ra sự thay đổi. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown - Đặc phái viên Giáo dục của LHQ nhận xét: “Đưa tất cả các trẻ em trai cũng như trẻ em gái được đến trường vào năm 2015 là mục tiêu có thể đạt được. Nó chỉ không thể thực hiện được nếu bạn bảo rằng điều đó không thể. Còn Malala nói rằng, điều ấy có thể và những người trẻ tuổi khác trên khắp thế giới cũng nghĩ rằng nó có thể”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.