Trải qua 23 ca đại phẫu, trong đó có những cuộc hội chẩn xuyên biên giới, Nguyễn Anh Nhi (SN 2000, ở Cẩm Thuỷ, Thanh Hóa) đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần một cách diệu kỳ, khiến các y, bác sỹ cũng kinh ngạc. Nhưng điều kỳ diệu hơn, dù sức khoẻ yếu ớt, phần lớn thời gian sống trên giường bệnh, nhưng cô gái ấy vẫn kiên cường học tập để biến ước mơ đời mình thành sự thật: Trở thành tân sinh viên Đại học Y Hà Nội.
Tai nạn trên đường đến trường
Trưa 8/10, rời giảng đường trường Đại học Y Hà Nội sau ca học sáng, Anh Nhi vội vã đi bộ trở về phòng trọ, nấu ăn trưa để kịp quay trở lại ca học buổi chiều. Vóc người gầy nhỏ, chỉ chừng 30kg, nhưng Nhi làm mọi việc nhanh nhẹn, thành thạo. “Ở nhà bố mẹ cũng chiều, ít cho em làm việc gì. Nhưng từ khi nhập học ngoài này, em phải tự lo liệu mọi việc cho mình”, Nhi nói, khẽ đưa tay sờ vào túi hậu môn nhân tạo dưới làn áo mỏng.
Đã 8 năm qua, kể từ khi xảy ra vụ TNGT thảm khốc ấy, cuộc sống Nhi gắn liền với bệnh viện, thời gian nằm trên giường bệnh nhiều hơn thời gian ở nhà. Nhi đã quen với đủ thứ dây dợ, ống dẫn chằng chịt quanh người. “Giờ em còn phải đeo hậu môn nhân tạo và ống xông từ dạ dày xuống hậu môn. Bác sỹ bảo em có thể mổ để đóng hậu môn nhân tạo, nhưng vì vướng lịch học, nên đến Tết em sẽ thực hiện ca mổ đó. Mổ xong, em không phải thay túi, thay ống xông hàng ngày nữa”, Nhi vui vẻ kể.
Nhi hầu như không nhớ gì về vụ tai nạn xảy ra 8 năm trước, nhưng anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1971, bố của Nhi), thì không thể quên nổi khúc ngoặt định mệnh ập đến với con gái và gia đình. Hôm đó là trưa 1/12/2011, Nhi chào bố mẹ, tung tăng xách cặp để đi bộ đến trường. Khi Nhi đang đi sát vỉa hè ở QL217 thì hai chiếc xe tải chạy tốc độ cao tránh nhau, một chiếc theo đà tông thẳng vào Nhi và kéo lê cô bé hơn 5m. “Nhận tin báo, tôi chạy đến, con mặc đồng phục, người bê bết máu. Ai cũng tưởng cháu không qua khỏi, tôi đã quỵ xuống, nhưng bỗng thấy con vẫn còn hơi thở và cử động, tôi giật mình vội đưa cháu tới Bệnh viện Đa khoa Ngọc Lặc, sau đó chuyển thẳng ra Bệnh viện Việt Đức”, anh Tuấn kể.
Sức sống diệu kỳ
Suốt 8 năm qua, Bệnh viện Việt Đức và khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn như một mái nhà thứ hai của em. Em ngưỡng mộ và muốn được trở thành bác sỹ như những người đã cứu sống em, đồng thời trở thành bác sỹ cũng giúp em chăm sóc tốt cho bản thân.
Nguyễn Anh Nhi
Đến Bệnh viện Việt Đức, Nhi được đưa ngay lập tức vào phòng phẫu thuật, ca mổ kéo dài 12 tiếng, từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Nhi mất rất nhiều máu, mất toàn bộ tổ chức thành bụng, phải cắt bỏ đại tràng, một phần bàng quang và niệu quản, nhiều đoạn ruột non...
Sau hai ngày hôn mê, Nhi tỉnh lại trong sự mừng vui tột cùng của các bác sỹ, gia đình. Tuy nhiên, đó chỉ là sự khởi đầu cho chuỗi ngày dài dằng dặc chiến đấu với thương tật, giành lại sự sống của cô bé.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt Đức - người được Nhi coi như người cha thứ hai của mình bởi ông đã theo sát Nhi từ những ngày đầu, đồng thời là người trực tiếp điều trị và phẫu thuật cho Nhi, trong nhiều năm cầm dao mổ, ông chưa gặp ca bệnh nào như bệnh nhân Nhi. Bởi Nhi bị tai nạn khi còn rất nhỏ, nhiều tổn thương cùng lúc phải xử lý, hơn nữa lại mất toàn bộ thành bụng... Do Nhi mất toàn bộ thành bụng, nên các bác sỹ đã dùng miếng lưới (mesh) che phủ nội tạng cho Nhi. Qua nhiều quá trình chăm sóc tổ chức hạt mọc và tạo thành thành bụng mới như bây giờ, tuy nhiên thành bụng nhân tạo này không hề có cơ và những thành phần như cấu tạo thành bụng bình thường.
Theo bác sỹ Chính, đến bây giờ, Nhi đã trải qua 23 ca đại phẫu, trong đó có nhiều ca hội chẩn xuyên biên giới với các bác sỹ từ Pháp, Mỹ, Đài Loan... chưa kể những ca tiểu phẫu. Nhi sống sót được như ngày hôm nay là cả một điều diệu kỳ. Ngoài sự kiên trì và quyết tâm của đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Việt Đức thì chính quyết tâm của gia đình, nghị lực của Nhi đã làm cho các bác sĩ thêm động lực để điều chị cho cháu.
Anh Tuấn tâm sự, 8 năm qua, anh đã rất nhiều lần rơi vào tuyệt vọng, cứ nghĩ Nhi sẽ không sống nổi. Lần thứ nhất là khi nhìn thấy Nhi bị tai nạn, rồi chờ con 12 tiếng ngoài phòng mổ, xong lại 2 ngày con hôn mê. Lần mổ thứ 4, mổ từ đêm đến 9h sáng, con nhiễm trùng co giật. Rồi những ngày thành bụng của Nhi hở toang, lộ toàn bộ nội tạng, vải không che hết, anh Tuấn mua cái giá để phích nước chế cắt thành tấm lưới thép để ngang bụng con rồi che vải lên. Ba năm sau tai nạn, con chưa đóng niệu quản, nước tiểu chảy ra đằng bụng, con vẫn chỉ có thể nằm nghiêng để chảy nước ra, anh phải mua máy hút dịch bụng cho con...
Khó khăn và vất vả là không thể kể bằng lời. Nhưng anh Tuấn nói, anh không thể quên được giây phút nhìn thấy Nhi cử động, Nhi thở khi đang nằm bê bết máu trên đường. Đó là tín hiệu, là khát vọng sống mãnh liệt của con. Trong mỗi lần Nhi rơi vào tình huống cực kỳ nguy hiểm, anh lại nhớ đến nụ cười, cái mím chặt môi để quên đi cơn đau của cô con gái nhỏ. Nhi không than vãn về cơ thể tật nguyền, cũng hiếm khi rên la dù con liên tục mổ xẻ, ốm sốt, co giật, nhức đau mỗi khi trái gió trở trời.
“Nghị lực sống, khát vọng sống của con bé khiến vợ chồng tôi chưa bao giờ muốn buông tay. Tới nay, chi phí điều trị cho con cũng hết khoảng hơn 2 tỷ đồng, chúng tôi còn nợ chừng 600 triệu đồng nữa. Nhưng còn con là còn hy vọng...”, anh Tuấn nghẹn ngào.
“Con khuyết tật, nên con phải cố gắng”
Những ngày này, Nhi đang háo hức với việc vừa trở thành tân sinh viên khoa Nhiễm khuẩn, Đại học Y Hà Nội. “Em thi tốt nghiệp THPT được 23,25 điểm, nhiều người cũng bảo em chọn Ngân hàng hay Kế toán để học, vì học Y vất vả lắm. Nhưng được trở thành bác sỹ là mơ ước 8 năm qua của em”, Nhi tâm sự.
Anh Tuấn cho biết, vợ chồng anh dù rất thương và lo cho sức khoẻ của con khi theo học một ngành vất vả như vậy, nhưng vì Nhi luôn ao ước trở thành bác sỹ, nên vợ chồng anh cũng không ngăn cản mà chỉ cố gắng động viên, chăm sóc con thật tốt. “8 năm qua, cuộc sống của Nhi gần như gắn liền với giường bệnh. Năm đầu sau tai nạn, con ở Bệnh viện Việt Đức cả năm, nên lỡ chương trình học, phải học lại một năm lớp 6. Nhưng khi đi học lại, con nắm được kiến thức ngay. Kể cả quá trình học từ đó lên đến hết cấp 3, một năm con cũng thường ở bệnh viện 5 - 6 tháng, nhưng cứ ngồi dậy được là con lại ôm sách học ngay trên giường bệnh. Năm cuối cấp 3, có những ngày con học đến 2h sáng, nhìn xót xa lắm, nhưng chúng tôi cũng chỉ biết thức cùng con, động viên con”, anh Tuấn kể.
Nhi mỉm cười xác nhận, em không thấy quá khó khăn khi chương trình học bị gián đoạn bởi những ca mổ. “Mỗi khi đi bệnh viện thì em lại nhờ các bạn chép bài, khi nào đỡ mệt thì em ngồi học, chỗ nào không hiểu, em hỏi bố mẹ hoặc các bạn. Chỗ nào hỏi bố mẹ và các bạn vẫn không hiểu, em đánh dấu lại để khi nào ra viện, em sẽ tới lớp hỏi thày cô”, Nhi cho hay.
Phạm Thu Phương (SN 2001, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân) là bạn học cùng lớp với Nhi từ cấp hai đến hết cấp ba cho biết, do ở gần nhà, nên Phương và Nhi rất thân nhau. “Cháu chưa gặp ai như Nhi, Nhi sống được là một điều kỳ diệu. Kỳ diệu hơn, Nhi sống rất tốt, luôn vui vẻ, chan hoà và học giỏi”, Phương nói.
Phương cho biết, những ngày Nhi đi bệnh viện, ban đầu mẹ Nhi sang nhờ các bạn chép bài. Nhưng về sau, cảm phục nghị lực của Nhi, các bạn tự chia nhau chép bài, hướng dẫn Nhi những bài chưa hiểu.
“Cả lớp ai cũng cảm phục nghị lực học tập của Nhi. Nhiều hôm đang ngồi học trên lớp, Nhi bị sốt, co giật, các thày cô và các bạn đưa Nhi về, nhưng không quên chép bài hộ Nhi, bởi ai cũng biết, cứ dứt sốt là Nhi lại học bài, Nhi không bao giờ quên làm bài tập cả. Nhi hay tâm sự, bản thân bị thiệt thòi, không được khoẻ mạnh như các bạn nên phải nỗ lực học tập, để có thể lo cho bản thân, để không thành gánh nặng cho bố mẹ”, Phương cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận