Những ca bệnh nhớ đời
Theo thống kê, nhu cầu cần có bác sĩ để thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại 62 huyện nghèo là 598 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa.
Trong đó có 7 chuyên khoa có nhu cầu cấp thiết nhất như: Khoa Nội 53 bác sĩ, khoa Ngoại 49 bác sĩ, khoa Sản 55 bác sĩ, khoa Nhi 44 bác sĩ, khoa Hồi sức cấp cứu 47 bác sĩ, khoa Truyền nhiễm 35 bác sĩ và khoa Chẩn đoán hình ảnh 33 bác sĩ...
Thấm thoắt đã hơn 2 năm, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết gắn mình với BV Đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai). Nhắc lại quyết định “liều lĩnh” về đây, bác sĩ trẻ nói “đó là hạnh phúc”.
Thời điểm đó, lứa sinh viên ĐH Y Hà Nội ra trường cũng là khi Bộ Y tế triển khai dự án đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa. Năm 2014, qua nhiều vòng tuyển dụng gắt gao, bác sĩ trẻ Chiến Quyết là 1 trong 7 người được chọn.
Bác sĩ Chiến Quyết vẫn nhớ mãi ca cấp cứu xuyên đêm cho một sản phụ người Mông trong tình trạng nguy kịch. Sản phụ chỉ mới 15, 16 tuổi và chuyển dạ từ lúc ở nhà, lại trong tình trạng tiền sản giật.
“Lúc đó, không còn thời gian để chần chừ, chỉ còn cách mổ mới hi vọng cứu được cả hai mẹ con. Thế nhưng, dù giải thích rất nhiều lần nhưng chồng sản phụ nhất định không đồng ý cho “đụng dao kéo”.
Không thể đứng nhìn mẹ con sản phụ dần đi vào cửa tử, hội chẩn nhanh với y tá và nữ hộ sinh, tôi quyết định thực hiện ca mổ và đã cứu được cả hai mẹ con. Tiếng khóc của đứa trẻ khiến ca trực trút đi áp lực trên vai. Ca mổ hoàn tất cũng là lúc Bắc Hà đón một ngày mới...”, bác sĩ trẻ trải lòng.
Trường hợp khác là một nam bệnh nhân bị tai nạn bất ngờ nhập viện trong tình trạng sốc, vỡ lá lách, chảy máu trong ổ bụng, buộc phải mổ gấp. Nhưng bệnh viện lại không có máu dự trữ, buộc phải có máu của người thân cùng nhóm máu để truyền.
“Tuy nhiên, dù giải thích thế nào, cả gia đình người bệnh đều không chịu cho máu. Bởi họ suy nghĩ, nếu người bệnh không qua khỏi thì sẽ mang máu của mình xuống mồ, đó là điều xui xẻo”, BS. Quyết kể lại. Trong giây phút sinh tử ấy, tập thể y, bác sĩ lại được huy động gấp cùng nhau chia sẻ chính những giọt máu của mình để cứu giúp người bệnh.
“Tôi cứ nghĩ khi lên vùng cao cuộc sống sẽ trở nên chậm hơn. Không ngờ, cuốn theo nhịp độ của công việc, thời gian trôi đi nhanh quá. Nếu đến ngày phải xa nơi này chắc sẽ nhớ lắm”, BS. Quyết chia sẻ.
Mỗi ngày với chàng bác sỹ trẻ cứ tuần tự sáng khám cho bệnh nhân, chiều lại lao mình vào những ca thủ thuật, phẫu thuật. Cứ thế, trong hơn 2 năm, anh đã tham gia khoảng 800 ca mổ và trực tiếp mổ cho chừng 500 ca cả về chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, ngoại, nhi..., trong đó có nhiều ca thập tử nhất sinh.
“Hạnh phúc không thể đo đếm được, nhưng mang lại sự sống cho những bệnh nhân của mình có lẽ vẫn là niềm hạnh phúc lớn nhất”, BS. Chiến Quyết trải lòng.
Phải năn nỉ người bệnh đi viện
Chỉ còn vài tháng nữa là bác sĩ trẻ ngoại sản Đinh Huệ Quyên sẽ “về xuôi”, kết thúc 2 năm tình nguyện về công tác tại BV Đa khoa huyện Mường Ảng (Điện Biên).
Huệ Quyên nhớ nhất trường hợp một ca sản phụ người dân tộc Thái nhập viện và xuất hiện tiền sản giật, thai phát triển chậm… Đúng ca trực của Quyên, cô quyết định chỉ định mổ cấp cứu. Song sau khi phẫu thuật, sản phụ lên cơn sản giật.
Dù trước đó đã từng gặp những ca bệnh tương tự khi còn công tác tại BV Phụ sản T.Ư nhưng ở nơi cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực hạn chế cũng khiến đội ngũ y, bác sĩ vô cùng lúng túng. Nhưng sau lần đầu đó, các y, bác sĩ dần nhuần nhuyễn với quy trình điều trị và không phải chuyển tuyến các ca tương tự.
Theo BS. Quyên, ở đây bệnh nhân đa phần là đồng bào dân tộc Mông, Thái nên đều không biết tiếng Kinh, mỗi ca khám để giải thích cho gia đình hiểu buộc phải qua “thông dịch viên” bất đắc dĩ là các anh chị điều dưỡng công tác tại đây lâu năm.
Làm bác sĩ ở vùng cao không chỉ chữa bệnh mà còn phải thân thiết với cả người dân, trưởng thôn, trưởng bản. “Phải kết thân với các trưởng thôn, trưởng bản, qua họ thì mới thuyết phục được người bệnh yên tâm vào viện. May mắn lần thuyết phục nào cũng thành công”, Huệ Quyên chia sẻ.
Đa số bệnh nhân đến với viện đều có hoàn cảnh khó khăn. Với những bệnh nhân có bảo hiểm y tế, bác sĩ cũng phải kiêm luôn vai trò tư vấn rồi giúp họ hoàn tất các thủ tục. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, y bác sĩ trong viện lại cùng quyên góp, kêu gọi hỗ trợ. Việc cán bộ nhân viên y tế ứng tiền cá nhân để hỗ trợ người bệnh, hay nộp hộ họ các khoản tạm ứng khi vào viện không phải là chuyện hiếm.
“Thời gian ở lại không còn nhiều, nhưng sẽ rất nhớ nơi này. Nhớ cả những món quà cảm ơn của người bệnh đối với mình, đó là cân cam, cân khoai hay đùm gạo mùa mới”, cô bác sĩ trẻ xúc động chia sẻ.
Sẽ có thêm nhiều bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng cao
Chiến Quyết, Huệ Quyên là 2 trong số những bác sĩ trẻ đăng ký tham gia dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn”, trong đó ưu tiên 62 huyện nghèo của cả nước.
Dự kiến, tới năm 2020 sẽ có khoảng 300-500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hiện tại, dự án đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa I cho 354 bác sĩ thuộc 11 chuyên ngành gồm: Nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, răng hàm mặt và y học cổ truyền trong thời gian 24 tháng.
Theo GS. TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), đây là cơ hội rất tốt cho đông đảo người nghèo, người dân đang sinh sống tại những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn trên cả nước được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng.
Đồng thời, tiến tới hạn chế và giảm tình trạng chuyển tuyến điều trị không cần thiết, vừa góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, vừa tránh gây lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến tài năng, phát huy sự xung kích, tình nguyện, góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận