Phó thủ tướng lệnh báo cáo, bộ vẫn chưa làm
Kết luận cuộc họp về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Công thương bổ sung báo cáo về việc làm việc với các nhà đầu tư các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông; làm rõ tính khả thi và tiến độ triển khai của các dự án để đề xuất cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn gồm có 5 dự án. Tổng công suất của 5 dự án này lên tới 7.220MW. Bao gồm: Nhiệt điện Quảng Trị (1.320MW), nhiệt điện Công Thanh 600MW, nhiệt điện Nam Định I 1.200MW, nhiệt điện Vĩnh Tân III 1.980MW, nhiệt điện Sông Hậu II 2.120MW.
Trong đó, dự án nhiệt điện Quảng Trị, nhà đầu tư là Tổng công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã có văn bản thông báo dừng triển khai dự án và tỉnh Quảng Trị cũng đang đề xuất thay thế bằng nguồn điện LNG theo văn bản ngày 9/8/2023. Dự án nhiệt điện Công Thanh, nhà đầu tư và tỉnh Thanh Hóa cũng đang xin chuyển thành dự án điện khí LNG.
"Bộ Công thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật", dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8 nêu.
Cũng theo dự thảo này, Bộ Công thương nêu rõ: Đối với các dự án điện than lớn, rủi ro chậm tiến độ do những khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư và tiến độ vận hành chưa xác định cụ thể được, Bộ Công thương sẽ làm việc với các chủ đầu tư dự án để làm rõ khả năng tiếp tục triển khai hoặc xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.
Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương báo cáo lại những vấn đề liên quan dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII trong tháng 9. Theo phản ánh của một số nhà đầu tư điện than muốn chuyển sang nhiên liệu LNG, đến nay họ vẫn chưa nhận được thông tin về bất cứ lịch làm việc nào với Bộ Công thương và tỏ ra rất sốt ruột.
Ngày 22/9 vừa qua, Bộ Công thương đã tiếp tục gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị cho ý kiến về dự thảo tờ trình Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.
Bản dự thảo tờ trình được gửi cho các địa phương không khác là mấy so với dự thảo được Bộ Công thương trình Chính phủ ngày 31/8. Đặc biệt, nội dung Phó thủ tướng yêu cầu Bộ này là "bổ sung báo cáo về việc làm việc với các nhà đầu tư nhiệt điện than chậm tiến độ" chưa được Bộ Công thương đề cập trong dự thảo tờ trình này.
Chậm trễ là mất cơ hội
Một số nhà đầu tư nhiệt điện than đã có đề xuất chuyển sang làm điện khí LNG tỏ ra sốt ruột, muốn biết đề xuất được xử lý đến đâu nhưng đổi lại chỉ nhận được sự im lặng.
Báo Giao thông cũng đã gửi công văn đến Bộ Công thương (Công văn số 215, ngày 29/8/2023) đề nghị trả lời một số vấn đề liên quan đến chuyển đổi dự án điện than sang điện khí LNG nhưng đến nay sau hơn 20 ngày, vẫn không nhận được phản hồi từ phía cơ quan này.
Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Các chuyên gia cho rằng, rất khó đảm bảo tiến độ khi đến nay còn hàng loạt vướng mắc cần được tháo gỡ, việc đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện bị "tắc" do những đòi hỏi vượt khung khổ pháp luật hiện hành.
Còn 7.220MW điện than đang chờ phương án xử lý kể trên cũng sẽ khó có thể hoàn thành trong bối cảnh nguồn tín dụng cho điện than bị siết chặt. Vì vậy, nhiều địa phương đã chủ động đề xuất chuyển sang dùng nhiên liệu LNG. Do vậy, theo các chuyên gia, việc nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết để chuyển các dự án điện than không có khả năng triển khai sang điện khí LNG là rất cần thiết.
Đề cập việc các dự án điện than muốn chuyển sang làm điện khí LNG, TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công thương lưu ý cho rằng cần rút kinh nghiệm của việc chậm trễ rất nhiều nguồn điện lớn thời gian qua, gây cho miền Bắc thiếu điện, Bộ Công thương cần sòng phẳng, rõ ràng thời gian đánh giá dự án dự phòng, kẻo lỡ mất cơ hội của nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.
Theo ông Lâm, cần có những quy định về quy trình thẩm tra, kiểm duyệt, xem xét chuyển đổi, bổ sung các dự án sau khi có đề xuất từ nhà đầu tư, cũng như địa phương.
"Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư chủ động các phương án, mà còn đưa nhà quản lý vào khuôn khổ, tránh lòng vòng, làm mất thời gian, mất cơ hội của họ", ông Lâm nói và nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận